Chiều ngày 14/12/2012, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc phối hợp với Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường (iSEE) tổ chức Hội thảo “Góp ý Sổ tay tiếp cận văn hóa cho cán bộ làm việc với cộng đồng người DTTS”. Tham dự Hội thảo có đ/c Lê Quang Bình- Viện trưởng Viện iSEE, đại diện của Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Tài nguyên và Môi trường, Báo Nhân dân, Báo Văn hóa, Hệ Phát thanh tiếng dân tộc VOV4 của Đài Tiếng nói Việt Nam, Trung tâm Phát triển cộng đồng tỉnh Cao Bằng và đại diện của một số tổ chức NGO tại Việt Nam. Đồng chí Trịnh Công Khanh, Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc UBDT chủ trì Hội thảo. Mục tiêu của Hội thảo nhằm góp ý cho dự thảo bố cục, nội dung cuốn Sổ tay tiếp cận văn hóa cho cán bộ làm việc với cộng đồng người DTTS, làm thay đổi thái độ và định kiến của cán bộ của các Bộ ngành trong việc xây dựng chính sách, cán bộ các tổ chức phát triển, các nhà báo khi làm việc với người DTTS trong quá trình công tác. Đồng thời đây cũng là một hoạt động nhằm cụ thể hóa hướng dẫn thực hiện Nghị định 05/2011/NĐ-CP ngày 14-1-2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.
Phát biểu khai mạc Hội thảo, đồng chí Trịnh Công Khanh đã bày tỏ sự cảm ơn tới Viện Nghiên cứu Xã hội, Kinh tế và Môi trường trong việc hỗ trợ cũng như phối hợp xây dựng cuốn Sổ tay. Cuốn Sổ tay sẽ giúp người đọc có cách hiểu đúng, tránh định kiến và phải cố gắng để tìm hiểu quan điểm của người trong cuộc qua các tình huống văn hóa trong bối cảnh lịch sử, chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội.
Thay mặt nhóm soạn thảo, Tiến sĩ Hoàng Cầm và Nguyễn Trường Giang đã trình bày dự thảo bố cục, nội dung, hình thức cuốn Sổ tay. Với cách trình bày đơn giản, dễ hiểu và đưa ra các kiến thức, kinh nghiệm qua các tình huống, câu chuyện cụ thể, cuốn Sổ tay sẽ thể hiện quan điểm, cách nhìn “từ bên trong” hay sự diễn giải về ý nghĩa của việc thực hành văn hóa từ chính chủ nhân của nó.
Qua các chuyến điền dã, nhóm tác giả đã xây dựng nội dung của bản dự thảo cuốn Sổ tay dựa trên ba nhóm chủ đề chính là: Tổng thể và thích ứng; tri thức bản địa và cách nhìn của người trong cuộc. Các tình huống rất cụ thể và sinh động đã được tiếp cận và phân tích rất rõ ràng nhằm giúp người đọc có cách hiểu đúng về các tình huống và đưa ra các hành xử một cách thích hợp.
Qua Hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, góp ý từ tên gọi, hình thức, nội dung, cách trình bày đến cách tiếp cận và giải quyết các vấn đề đặt ra cho dự thảo cuốn Sổ tay.
Việt Cường |