Nằm trên tỉnh lộ 604, cách thị trấn Prao khoảng 3km về hướng đông, thôn Đhơrôồng, xã Tà Lu, huyện Đông Giang (Quảng Nam) là một trong những điểm sáng tiêu biểu của huyện trong phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Hiện thôn Đhơrôồng có 85 hộ dân với 302 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ Tu. Từ bao đời nay, cuộc sống của người dân nơi đây gắn liền với nương rẫy, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Năm 1997, thôn Đhơrôồng là một trong số 14 thôn điểm của tỉnh được chọn phát động phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”. Qua 15 năm phát động, đến nay, cuộc sống của người dân đã thật sự chuyển biến mạnh mẽ. Việc khai hoang phát triển ruộng lúa nước, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng chuyên canh đã từng bước mang lại những kết quả tích cực. Ngoài sản xuất chính nương rẫy, nhiều hộ gia đình đã biết chuyên canh các loại cây ăn quả và trồng rừng; diện tích sản xuất lúa nước 3 vụ không ngừng tăng lên, góp phần đáng kể vào việc cung cấp lương thực lúa gạo cho nhiều hộ gia đình đồng bào nơi đây.
Cùng với những chuyển biến về kinh tế, đời sống văn hóa tinh thần của người dân Đhơrôồng cũng được chú trọng; nhiều hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể dục thể thao phát triển mạnh; đội cồng chiêng thôn với 20 thành viên được duy trì hoạt động thường xuyên, trở thành điểm sáng văn hóa trong xã, trong huyện. Đặc biệt, việc duy trì, phát triển các nghề truyền thống như: Đan lát, dệt thổ cẩm được thôn duy trì, phát triển mạnh với 75/85 hộ có khung dệt, 15/85 hộ làm nghề đan lát. Sản phẩm làm ra không chỉ đáp ứng nhu cầu sử dụng hàng ngày mà còn được đồng bào trao đổi làm quà tặng trong những dịp cưới xin, lễ, tết.
Cùng với Bhờ Hôồng1, Đhơrôồng là một trong 2 thôn duy nhất được huyện Đông Giang chọn thí điểm xây dựng Đề án “Phát triển làng nghề tạo sinh kế cho đông bào dân tộc”. Bước đầu, nhiều doanh nghiệp du lịch từ Hội An và các tổ chức phi chính phủ tại Quảng Nam đã lên khảo sát tìm hiểu sản phẩm làng nghề, hướng dẫn đặt hàng những mẫu mã mới để phục vụ du lịch, hứa hẹn những thay đổi lớn lao cho cuộc sống người dân.
Trao đổi cùng chúng tôi, Trưởng thôn Pơloong Túi cho biết: Lòng tự hào về truyền thống văn hóa của người Cơtu chính là động lực quan trọng để người dân trong thôn đồng lòng, nhiệt tình tham gia các phong trào của địa phương. Trưởng thôn Pơloong Túi nói: “Người Cơ tu mà không biết múa “Tung tung, ya yá”, không biết dệt thổ cẩm, không biết đan cái gùi thì hổ thẹn với tổ tiên, với thần linh lắm, vì thế ai ai cũng phải học và làm thành thạo các điệu múa, các ngành nghề của cha ông để lại”. Cũng theo Trưởng thôn, để người dân hiểu và thực hiện tốt những chủ trương, chính sách của Nhà nước, hàng tháng, Ban nhân dân thôn đều tổ chức họp làng từ 2 đến 3 lần, vừa bàn bạc trao đổi về sản xuất, vừa tranh thủ phổ biến luật pháp và góp ý nhắc nhở nhau về những việc cần điều chỉnh trong sinh hoạt hàng ngày…để cuộc sống cộng đồng thôn ngày càng tốt đẹp.
Bên cạnh đó, việc xây dựng đời sống văn hóa mới trong đám cưới, đám tang được thôn phát động và thực hiện nghiêm túc. Nếu như trước kia, đám cưới kéo dài vài ngày thì nay chỉ gói gọn trong một ngày. Hầu hết trẻ em đến tuổi đều được đến trường; hiện tại thôn đã có phòng học mẫu giáo do Tổ chức Tầm nhìn thế giới tài trợ xây dựng, với 2 giáo viên đứng lớp. Trình trạng trẻ em suy dinh dưỡng, bỏ học giữa chừng đã không còn. Dù đời sống còn vất vả nhưng tình cảm cộng đồng, tương thân tương ái giúp nhau lúc khó khăn hoạn nạn được người dân Đhơrôồng chú trọng duy trì thường xuyên.
Tất cả những thay đổi trên đã góp phần làm cho bộ mặt thôn ngày càng khởi sắc. Đến nay, thôn không còn hộ đói. 95% các cặp vợ chồng trong độ tuổi sinh đẻ không sinh con thứ 3 trở lên. Trong thôn có nhiều em là sinh viên đang theo học các trường cao đẳng, trung học trong và ngoài tỉnh. Công tác vệ sinh, phòng ngừa dịch bệnh luôn được nhân dân ý thức giữ gìn; những trường hợp ốm đau bệnh tật đều được đưa đến cơ sở y tế khám chữa bệnh kịp thời.
Đối với những người lớn tuổi trong thôn, như già làng Pơloong ChNiêm thì sự đổi thay trên như một giấc mơ có thật. Theo ông, nếu so với cuộc sống trước đây thì khác xa nhiều lắm. “Hồi chiến tranh, dân làng mình đói cái bụng không có cơm để ăn, chỉ có củ sắn hạt ngô thôi, còn áo mặc phải lấy vỏ cây che tạm, khổ lắm. Còn bây giờ thì ai cũng có cơm ăn, ai cũng có nhà ở, lũ trẻ được đến trường, mình vui cái bụng lắm, cảm ơn Đảng, cảm ơn Bác Hồ nhiều lắm ”- già làng Pơloong ChNiêm hào hứng cho biết.
Cứ mỗi buổi chiều, chị em phụ nữ trong làng lại mang khung ra Gươl dệt vải, người già cặm cụi đan gùi, trẻ em nô đùa khắp thôn, một không khí bình yên bao trùm khắp nơi. Đhơrôồng hôm nay đã khởi sắc trở thành một điểm sáng giữa núi rừng phía tây của tỉnh Quảng Nam./.
(Theo Đangcongsan.vn)
[TT: NTV] |