Thuốc diệt cỏ, đặc biệt là loại thuốc không rõ nguồn gốc là một loại hóa chất độc hại đối với sức khỏe con người, động vật, gây ô nhiễm môi trường. Nhưng do quản lý còn lỏng lẻo, nhận thức của người dân còn hạn chế nên thời gian gần đây, thuốc diệt cỏ được đồng bào dân tộc thiểu số ở vùng cao tỉnh Bắc Cạn sử dụng tràn lan. Lạm dụng thuốc diệt cỏ
Pác Nặm là huyện vùng cao, diện tích đất cấy lúa chỉ có gần một nghìn ha, nhưng nương rẫy trồng ngô có đến hai nghìn ha. Diện tích trồng ngô bạt ngàn, lao động lại ít, hầu hết người dân địa phương đều sử dụng thuốc diệt cỏ để đỡ công lao động.
Xuân La là một trong những xã có diện tích ngô đồi lớn nhất huyện với khoảng 400 ha, trung bình mỗi hộ có khoảng 0,6 – 0,8 ha ngô đồi, hộ nhiều có đến vài ha. Diện tích quá lớn không thể làm xuể, hầu hết hộ dân đều sử dụng giải pháp dùng thuốc diệt cỏ phun lên nương đồi khi trồng ngô. Chỉ với 20 nghìn đồng, người dân mua được một lọ thuốc diệt cỏ phun cho khoảng một ha.
Lạm dụng thuốc diệt cỏ đã để lại những hậu quả đáng tiếc. Ông Hoàng Văn Quỷ ở thôn Thôm Mèo, xã Xuân La cho biết: “Gần đây do ăn phải cỏ mới phun thuốc trên đồi, bò của gia đình tôi đang có chửa bị sẩy thai. Vịt không đẻ trứng, suối gần như không còn tôm, cá. Dù vẫn biết sử dụng nhiều thuốc diệt cỏ là không tốt cho môi trường và sức khỏe nhưng gia đình tôi và bà con trong thôn vẫn phun vì đây là cách làm ít tốn kém và ‘‘hiệu quả nhất”.
Không riêng Xuân La, tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ gia tăng ở hầu hết các thôn vùng cao của toàn huyện Pác Nặm. Điều đáng quan tâm là do nhận thức của bà con còn hạn chế nên pha chế, phun thuốc không mang đầy đủ bảo hộ, phun không đúng cách làm ảnh hưởng đến sức khoẻ. Mặt khác, phun thuốc diệt cỏ ở các khu vực trên cao, đầu nguồn các khe, suối, sục rửa bình phun có nguy cơ gây nhiễm độc nguồn nước, ảnh hưởng lâu dài đến sức khoẻ cộng đồng, động vật, huỷ diệt nguồn lợi thuỷ sản.
Không chỉ ở vùng cao Pác Nặm, dọc các tuyến tỉnh lộ, đặc biệt là quốc lộ 3 chạy qua tỉnh Bắc Cạn, Công ty TNHH một thành viên quản lý và sửa chữa đường bộ 244 thường xuyên phun thuốc diệt ở hành lang hai bên đường, ảnh hưởng trực tiếp đến người tham gia giao thông, nhân dân địa phương.
Thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc bán tràn lan
Sở dĩ tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ tràn lan là do người dân rất dễ dàng mua được các loại thuốc này. Dạo quanh các chợ phiên Nghiên Loan, Bộc Bố, Bằng Thành không khó để tìm được những sạp hàng của tư thương bán các loại thuốc diệt cỏ. Một số tư thương ngụy trang để trốn tránh sự kiểm tra của ngành chức năng, một số khác bày bán công khai. Thậm chí họ sẵn sàng cung cấp một lượng lớn thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc nếu người mua có nhu cầu.
Rau xanh ở huyện vùng cao thường rất hiếm, nhiều người ví mua thuốc diệt cỏ còn dễ hơn mua rau. Huyện Pác Nặm có khoảng 2.000 ha ngô đồi, mỗi năm hai vụ ngô, lượng thuốc diệt cỏ được dùng hằng năm là rất lớn, môi trường sinh thái ngày càng bị ô nhiễm, tiềm ẩn nguy cơ đối với sức khoẻ con người, động vật.
Phó Chủ tịch UBND huyện Pác Nặm Vi Thị Thúy thừa nhận: “Qua thăm nắm thực tế và phản ánh từ các địa phương cho thấy, tình trạng lạm dụng thuốc diệt cỏ trên địa bàn huyện đang gia tăng”. Tuy nhiên, đến nay ngành chức năng và các cấp chính quyền ở huyện vùng cao này chưa có biện pháp nào thật hữu hiệu để tăng cường kiểm tra, xử lý, ngăn chặn việc buôn bán thuốc diệt cỏ không rõ nguồn gốc và thay đổi nhận thức của người dân, đặc biệt là người dân tộc thiểu số ở địa phương.
Theo Nhân dân Điện tử [TT: N.K.T] |