Những ngày đầu tháng 12, chúng tôi cùng đoàn công tác Sở Ngoại vụ với đồng bào dân tộc Hà Nhì, xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé đón tết cổ truyền. Vượt qua chặng đường dài hơn 200km với bao vất vả đường trường, cuối chiều, xe chúng tôi đã dừng chân trên vùng đất ngã ba biên giới. Những vất vả nhọc nhằn trong suốt hành trình qua đi, đọng lại trong cả đoàn chỉ còn hình ảnh trùng điệp của những rặng cúc quỳ vàng suộm trải suốt hai bên đường.
Gia đình chủ tịch xã chào đón chúng tôi với bữa cơm thật đầm ấm; ông nói: “Tết cổ truyền là dịp vui nhất trong năm của đồng bào Hà Nhì đấy. Cuộc sống mới nên có nhiều thay đổi, chỉ có tết là các nghi lễ, tục lệ văn hóa truyền thống được thể hiện nhiều và rõ nét nhất. Theo phong tục truyền thống, tết của dân tộc Hà Nhì được tổ chức vào ngày con rồng đầu tiên của tháng 12 dương lịch. Tùy thuộc vào điều kiện kinh tế mà các gia đình chuẩn bị cỗ cúng khác nhau, miễn là lòng thành và nghiêm trang. Đây là lúc các thành viên trong gia đình cầu mong sức khỏe, may mắn, mưa thuận gió hòa…”.
Quả đúng như lời ông chủ tịch xã nói, không khí tết đã rộn rã khắp bản Tả Kố Khừ, A Pa Chải từ đầu tối. Nhà nào cũng bận rộn nhào bột, nấu nước chuẩn bị cỗ cúng cho ngày mai. Từ 3 giờ sáng, những người vợ trong gia đình dân tộc Hà Nhì đã sẵn sàng bánh trôi để dâng lên tổ tiên. Có một điểm khác biệt đó là người Hà Nhì thờ cúng tổ tiên tại buồng…
Ngày tết đầu tiên, đoàn chúng tôi xuống bản Tả Kố Khừ trong cái rét ngọt và được chứng kiến sự rộn rã của bản làng trong ngày lễ hội. Nơi đám trẻ cùng nhau nô đùa, nơi gia đình quần tụ mổ lợn, gà, sắm sửa lễ cúng. Những lời mời chào vào nhà mình đón tết khiến chúng tôi chỉ muốn ngày dài thêm và tết cũng dài thêm để không phụ lòng hiếu khách của bà con. Tại nhà người cao tuổi nhất bản, vừa nâng chén rượu đầy chúc gia đình, chúng tôi vừa được thưởng thức những món ăn dưới sự chế biến khéo léo của người phụ nữ Hà Nhì có mùi thơm đặc trưng mà lại không có cảm giác béo ngậy. Món nước chấm có vị chua của vỏ quả me trộn lẫn với thịt nạc băm nhỏ là món không thể thiếu trong mâm cơm ngày tết của người Hà Nhì. Theo ông Sừng Sừng Khai, bản A Pa Chải: Nước chấm của người Hà Nhì không chỉ ngon, mà đặc biệt nó còn có thể làm dung hòa vị của những món ăn từ thịt lợn, giúp cho dạ dày hoạt động tốt hơn…
Năm nay, phiên chợ biên giới Việt - Trung trùng với tết cổ truyền của người Hà Nhì, vì thế bà con có dịp xuống chợ mua sắm những vật dụng cần thiết cho gia đình. Ngoài bán các mặt hàng, phiên chợ còn có các trò chơi dân gian nên rất đông vui náo nhiệt. Ngoài việc tổ chức ăn uống, đi chợ phiên, buổi tối những ngày tết bà con lại tập trung ở sân bản để múa hát. Tiếng trống, tiếng chiêng hòa lẫn những tiếng hò cùng vòng tay nối thành vòng quanh đống lửa làm cho bản làng luôn rộn rã. Từ những ngả đường, các anh bộ đội, cô giáo không kể người bản địa hay miền xuôi lên công tác đều nô nức về đây chung vui cùng cùng bà con. Hòa chung không khí rộn ràng ấy, chúng tôi thấy cả những nhà báo ở các tỉnh miền xuôi cũng hòa mình vào vòng xòe hết mình. Dường như cái rét đã tan dần trong không khí văn nghệ của bản, thay vào đó là hơi ấm của lửa bốc lên xen lẫn hơi ấm của tình đoàn kết…
Điều làm chúng tôi ấn tượng ở mảnh đất này nữa là bà con nơi đây có nếp sống sinh hoạt văn minh: cả bản nơi nào cũng được dọn dẹp sạch sẽ, các nếp nhà gỗ được lợp mái tôn vững chãi, chuồng gia súc, công trình vệ sinh làm xa nơi ở, trâu bò được nuôi nhốt có chuồng trại để chống rét và đề phòng dịch bệnh; trẻ em đã có áo ấm, chăn ấm khi mùa đông về… Chút băn khoăn còn lại là hình ảnh bà con người Hà Nhì mặc trang phục truyền thống của mình còn rất ít.
Tạm biệt Sín Thầu, chúng tôi mang theo niềm vui khi được tận hưởng 4 ngày tết thật đầm ấm, nhiệt thành cùng bà con người Hà Nhì; mong rằng năm nay người dân nơi đây sẽ gặt hái mùa vụ bội thu, đời sống ngày càng phát triển…
Bài, ảnh: Kim Yến (Nguồn: Báo Điện Biên phủ)
[TT: H.T.N] |