Xác định lập thân, lập nghiệp và ổn định cuộc sống là việc làm thiết thực với đoàn viên, thanh niên (ĐVTN). Trong những năm qua, phong trào thanh niên lập thân, lập nghiệp đã được đông đảo ĐVTN vùng đồng bào dân tộc thiểu số (DTTS) Phú Yên hưởng ứng tích cực. Từ trong phong trào, các ĐVTN đã tích cực thi đua phát triển kinh tế, mạnh dạn chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, áp dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất đã mang lại hiệu quả kinh tế cao. Nhờ chương trình hỗ trợ thanh niên làm kinh tế do tổ chức Đoàn làm nòng cốt, đến nay, huyện Sơn Hòa có trên 300 thanh niên làm các mô hình kinh tế mang lại thu nhập mỗi năm từ 50 triệu đồng trở lên. Hằng năm, các cơ sở Đoàn đã phối hợp với các trung tâm dạy nghề và trung tâm khuyến nông để đào tạo và tập huấn kiến thức sản xuất cho ĐVTN. Và để nâng cao hiệu quả của việc đào tạo này, Tỉnh đoàn đã phối hợp với Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tỉnh Phú Yên và trường Cao đẳng nghề tổ chức các hoạt động dạy nghề, tư vấn tạo việc làm cho thanh niên. Theo đó, hằng năm hai đơn vị này tổ chức 4 đến 5 điểm tư vấn việc làm và tuyển dụng lao động, 20 lớp đào tạo nghề cho 400 thanh niên nông thôn gồm các nghề cơ bản như: trồng trọt, sửa chữa nông cụ, dệt thổ cẩm, hàn gò, chăn nuôi… Thông qua đó, đã có nhiều thanh niên được tuyển vào làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp ở Đồng Nai, Sài Gòn, Bình Dương với mức thu nhập bình quân 2,5 triệu đồng/tháng.
Anh Sô Minh Dõ, Bí thư Xã đoàn xã Ea Cha Rang, huyện Sơn Hòa cho biết: “Nhờ có nguồn vốn vay của Ngân hàng Chính sách thông qua kênh Đoàn Thanh niên, nhiều thanh niên đã chủ động sản xuất phát triển kinh tế gia đình. Bên cạnh đó, Đoàn Thanh niên xã đã phối hợp với Trường đào tạo nghề của tỉnh dạy cho thanh niên học các nghề may, điện dân dụng, trồng trọt, chăn nuôi. Nhờ đó, nhiều thanh niên đã thực sự có kiến thức làm ăn, có nghề nghiệp được các đơn vị của tỉnh tư vấn việc làm và đã có nhiều thanh niên được nhận vào làm việc”.
Anh La Văn Tùng, sinh năm 1982 ở buôn Suối Mây, xã Xuân Phước, huyện Đồng Xuân là một Bí thư Chi đoàn gương mẫu trong sản xuất phát triển kinh tế gia đình với thu nhập hơn 50 triệu đồng/năm. Năm 2003, khởi nghiệp từ 15 triệu đồng vốn vay từ nguồn vốn hỗ trợ thanh niên lập nghiệp, La Văn Tùng đã dùng số tiền này để nuôi bò. Anh thường xuyên tham gia lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi bò do Huyện đoàn phối hợp với Trung tâm Khuyến nông tổ chức, nhờ vậy đàn bò của anh tránh được dịch lở mồm long móng và phát triển tốt. Đến nay, đàn bò lai sin của anh Tùng phát triển lên tới 20 con. Ngoài ra, anh còn đầu tư khai hoang thêm 8ha đất trồng trọt. Được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật trồng trọt, các buổi hội thảo đầu bờ về giống cây trồng mới, anh đã mạnh dạn sử dụng các loại giống cây trồng mới cho năng suất cao; mỗi năm, thu hoạch được trên 4 tấn lúa, 100 tấn mía. Tổng thu nhập từ trồng trọt và chăn nuôi của La Văn Tùng mỗi năm đạt tới trên 100 triệu đồng. Anh phấn khởi cho biết: "Thanh niên trong làng cố gắng làm ăn đầu tư tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, thu nhập. Từ đó có vốn tích lũy để làm nhà, mua sắm phương tiện sinh hoạt”.
Trong năm qua, việc khai thác có hiệu quả nguồn vốn vay đã đáp ứng được nguyện vọng thiết thực của thanh niên. Đến nay, tổng dư nợ lên tới gần 2 tỉ đồng, nhờ đó tạo điều kiện cho thanh niên phát triển kinh tế trên chính quê hương mình. Mặt khác, Đoàn Thanh niên các xã vùng đồng bào dân tộc Chăm Sơn Hội, Sơn Phước còn thành lập "Câu lạc bộ 200 triệu". Các thành viên của CLB này đã giúp hàng trăm triệu đồng vốn, giống mía, sắn cao sản cho 50 thanh niên có hoàn cảnh khó khăn vươn lên ổn định cuộc sống và đẩy mạnh phát triển kinh tế, nâng cao mức thu nhập lên từ 150 đến 170 triệu đồng/năm, tiến tới đạt thu nhập 200 triệu đồng/năm. Vì vậy, đến nay, thanh niên ở Sơn Hà, Sơn Nguyên, Sơn Hội, Cà Lúi, Phước Tân… không còn bỏ quê nhà đi làm ăn xa như trước đây.
Anh Ma Nhân, Bí thư xã Đoàn Sơn Phước cho biết: "Hằng năm, Nhà nước tổ chức tập huấn chuyển giao kỹ thuật trồng nấm, bắp lai, trồng lúa nước, sắn để bà con có điều kiện phát triển kinh tế gia đình, nhất là lớp trẻ có điều kiện nghiên cứu áp dụng vào công việc làm ăn đạt hiệu quả hơn. Chúng tôi mong rằng sẽ tiếp tục được Nhà nước trang bị kiến thức làm ăn và hỗ trợ vốn, giống cây trồng, vật nuôi như vậy thanh niên trong xã sẽ phát triển kinh tế gia đình tốt hơn, ổn định hơn".
8 năm trước, Hơ Miên, dân tộc Chăm ở thôn Hà Rai, xã Xuân Lãnh, huyện Đồng Xuân thuộc diện nghèo, chỉ biết đến làm thuê để sinh sống. Năm 2006, thông qua “kênh” Đoàn Thanh niên, chị vay được 10 triệu đồng đầu tư vào trồng mía. Nhờ vào sự cần cù chịu khó và giúp đỡ của Đoàn thanh niên về vốn, kỹ thuật, chẳng bao lâu gia đình Hơ Miên đã trở thành một trong những người trồng mía có năng suất cao nhất ở buôn Hà Rai. Gia đình chị đã có trên 6ha mía, thu nhập mỗi năm trên 100 triệu đồng. Giờ đây gia đình Hơ Miên không chỉ thoát nghèo, trả hết nợ mà còn có tiền xây dựng được căn nhà ngói để ở, mua xe máy để đi lại và không còn đi làm thuê nữa. Hơ Miên cho biết. “Từ nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, thời gian qua tôi đã sử dụng để đầu tư phát triển kinh tế gia đình, một số anh chị em thanh niên trong thôn, trong xã còn học nghề và kinh doanh, từng bước ổn định cuộc sống, giúp nhau phát triển kinh tế, vượt khó, thoát nghèo”.
Nhờ sự trợ giúp của Đoàn Thanh niên, nhiều thanh niên vùng đồng bào DTTS đã thành công, thoát nghèo, vươn lên phát triển kinh tế. Cứ theo đà tiến triển đầy khả quan này, trong tương lai không xa trên địa bàn vùng đồng bào DTTS tỉnh Phú Yên sẽ xuất hiện ngày càng nhiều triệu phú trẻ .
Việt Vũ |