Những năm qua, tỉnh Sơn La bước đầu đã đạt được những thành tựu trong phát triển kinh tế - xã hội, nhưng bên cạnh những thành tựu đạt được, theo ông Nguyễn Quang Thiên, Chi cục Bảo vệ môi trường- Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Sơn La, hiện tại vấn đề nước thải, khí thải, chất thải rắn của một số nhà máy, bệnh viện... trên địa bàn toàn tỉnh đang gây ô nhiễm môi trường, nhưng chưa được các cơ quan chức năng xử lý kịp thời. Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng nhiều hộ nông dân sử dụng không hợp lý các loại hóa chất bảo vệ thực vật trong nông nghiệp... cũng là một trong những nguyên nhân khiến môi trường bị ô nhiễm ngày một gia tăng. Nguyên nhân làm cho môi trường bị ô nhiễm nhiều nhất vẫn là do hệ sinh thái rừng bị suy giảm nghiêm trọng. Chỉ trong 2 năm 2007- 2008, toàn tỉnh đã mất hơn 2 nghìn ha rừng phòng hộ, hơn 161ha rừng đặc dụng, do tình trạng phá rừng bừa bãi của lâm tặc và một số người dân bản địa; tình trạng xây dựng các công trình thủy điện tràn lan khiến thời tiết, khí hậu trong vùng bị thay đổi theo chiều hướng tiêu cực, diễn biến bất thường, đa dạng sinh học đang có nguy cơ bị suy thoái.Theo ông Lường Văn Thiết, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Sơn La, để phục vụ cho việc xây dựng Nhà máy thủy điện Sơn La và hơn 50 công trình thủy điện vừa và nhỏ khác, tỉnh đã phải di chuyển hơn 12.400 hộ dân đến nơi ở mới, tiến hành xây dựng các cơ sở hạ tầng thiết yếu như: đường giao thông, trường học, đất sản xuất... Để bố trí đủ đất sản xuất cho các hộ dân tái định cư, tỉnh đã phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất của một số diện tích rừng sang làm đất ở và đất sản xuất... Điều này cũng đã dẫn đến tình trạng suy giảm, thoái hóa tài nguyên rừng, tài nguyên đất ngày càng tăng. Đất bị xói mòn, sạt lở, dòng chảy của các con suối tại các vùng đầu nguồn bị biến đổi, đã khiến lũ ống, lũ quét xảy ra ngày càng nhiều, gây thiệt hại cho các công trình giao thông, thủy lợi... làm ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất, đời sống của đồng bào các dân tộc.Cùng với nhận định trên, theo báo cáo của Ban Dân vận tỉnh Sơn La, trong quá trình xây dựng các công trình thủy điện trên địa bàn, những phong tục, tập tục của đồng bào DTTS cũng bị mất dần đi, do phải di chuyển đến nơi ở mới. Các tập tục này thường xuất phát từ sự am hiểu thiên nhiên, trong đó có những phong tục điển hình liên quan đến tập tục bảo vệ rừng, như: “Tục ăn ước” hay còn gọi là “Lễ nào sồng” của đồng bào Mông. Hằng năm, vào dịp năm mới, trong các bản người dân tổ chức “Lễ nào sồng”. Trong lễ này, người dân thường xây dựng thêm, hoặc nhắc lại các quy ước bảo vệ rừng trước đó. Còn đối với đồng bào Thái, bà con có quy định, ai muốn vào rừng làm rẫy phải được Tạo bản (trưởng bản) cho phép, nếu tự ý phát rừng làm rẫy thì sẽ bị phạt từ 1 đến 3 nén bạc...Bên cạnh đó, một số dự án xây dựng khu tái định cư cho các hộ dân thuộc diện phải di dời đã có những thiết kế chưa phù hợp với phong tục tập quán, nhu cầu của người dân. Mặc dù, các ngôi nhà đều được xây dựng khang trang, hiện đại, nhưng trên thực tế, khi bà con chuyển về nơi ở mới, lại không có đất canh tác, vì vậy, sau một thời gian, hầu hết các hộ dân tái định cư đều bỏ nơi ở mới, kéo lên rừng, dựng lều đốt nương, làm rẫy, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, dẫn đến suy thoái đa dạng sinh học.Việc di dân tái định cư trong xây dựng các công trình thủy điện đã làm thay đổi môi trường sống của các hộ dân, chủ yếu là người DTTS, làm phai nhạt dần bản sắc văn hóa của một số dân tộc. Vì vậy, việc giữ gìn văn hóa truyền thống dân tộc, kết hợp giữa phong tục, luật tục với việc thực hiện pháp luật trong bảo vệ môi trường đang được xem là một trong những nhiệm vụ cấp bách của nhiều tổ chức, ban ngành có liên quan của tỉnh Sơn La.Mới đây, Ủy ban Dân tộc đã phối hợp với UBND tỉnh Sơn La tổ chức “Hội thảo truyền thông bảo vệ môi trường miền núi- giải pháp và thực trạng”. Tại Hội thảo này, nhiều ý kiến của các đại biểu đã được đưa ra thảo luận để tìm ra những giải pháp thiết thực nhất trong công tác bảo vệ môi trường miền núi. Theo đó, phần lớn các đại biểu đều nhất trí rằng: Trước hết, mỗi người dân cần nhận thức rõ việc bảo vệ môi trường không chỉ là nhiệm vụ cấp bách của mỗi quốc gia, của các cấp, các ngành mà là trách nhiệm của mỗi người dân. Ông Vũ Bá Cường, Phó Vụ trưởng Vụ Tuyên truyền- UBDT nhấn mạnh: Bên cạnh việc cần đẩy mạnh công tác truyền thông về bảo vệ môi trường ở miền núi, trên các phương tiện thông tin đại chúng các sở, ban, ngành từ Trung ương đến địa phương cần có sự phối hợp chặt chẽ để công tác tuyên truyền bảo vệ môi trường tới người dân được hiệu quả. Từ đó góp phần nâng cao ý thức, trách nhiệm của người dân trong việc bảo vệ môi trường, đặc biệt là trong việc khai thác, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên.
Bài và ảnh: Bùi Hiếu (Nguôn: Báo Dân tộc & Phát triển)
[TT: H.T.N] |