Từ lâu, sông Ba được xem như một biểu tượng văn hoá của đất An Khê nói riêng, tỉnh Gia Lai nói chung, bởi nét đẹp tự nhiên và nguồn lợi kinh tế mà nó mang lại. Thế nhưng, từ khi công trình thủy điện An Khê - Ka Nak nằm trên địa bàn huyện Kbang và thị xã An Khê tích nước lòng hồ (tháng 9-2010), cuộc sống của người dân 5 huyện, thị xã vùng Đông Gia Lai đảo lộn thật sự bởi cái “điệp khúc” nắng hạn, mưa lụt, cùng những tác động tiêu cực về môi trường... Dòng sông... thối
Bắt nguồn từ cao nguyên Kon Plông (tỉnh Kon Tum), sông Ba là một trong những con sông lớn nhất ở khu vực Nam Trung bộ với chiều dài 374km. Với diện tích lưu vực 13.900 km2, trong đó khoảng 8.656 km2 nằm trên địa bàn tỉnh Gia Lai. Sông Ba nằm trong vùng trũng, xung quanh là núi cao bao bọc với nét hoang sơ bí ẩn, mang đậm cá tính của một sơn nữ. Ngày xưa, vào những chiều hè trải dài trên mặt sông cho đến khi hoàng hôn tắt nắng, đồng bào các dân tộc quanh khu vực kéo nhau ra bờ sông, già thì hóng mát, trẻ thì ngụp lặn, nô đùa, thanh niên nam nữ thì rụt rè làm quen rồi cùng nhau hẹn ước. Sông Ba đã đi vào miền ký ức biết bao thế hệ dân làng và là biểu tượng của sức mạnh tình yêu bất tử... Vậy mà, chỉ trong vài năm trở lại đây, dưới bàn tay “nhào nặn” của con người, nó đã “thay đổi tính nết” và mang danh: Dòng sông... thối.
Bà HDang (sinh năm 1968), ở tổ 8, phường An Bình, thị xã An Khê, nhà sát cạnh bờ sông Ba nuối tiếc kể lại: “Tuổi thơ của tôi đã gắn chặt với con sông này. Ngày ấy, sông Ba đẹp lắm, cá tôm thì nhiều vô kể. Hàng ngày, chúng tôi đi làm rẫy về chỉ cần xuống mò một lúc quanh các hốc đá là đủ bữa ăn cho gia đình. Mấy năm gần đây, từ khi ngăn dòng công trình thủy điện An Khê - Ka Nak, rồi các nhà máy công nghiệp mọc lên hai bên bờ sông, cá chết phơi trắng bụng, cua ốc cũng thưa dần vì ô nhiễm. Đặc biệt, mấy tháng gần đây, có những khúc sông người dân không tài nào chịu nổi mùi hôi thối, ngồi trong nhà cũng phải đeo khẩu trang. Kiểu này mãi chắc chết...”. Còn ông Vũ Nguyên Hoàng, Chủ tịch UBND phường An Bình tâm sự: “Tiếc quá các anh ạ, từ khi ngăn dòng xây dựng đập thủy điện An Khê - Ka Nak, dòng nước sông Ba phía sau đập thủy điện cứ khô dần, sinh vật nghèo kiệt, dòng nước đen sì, mùi hôi thối nồng nặc. Nhiều bến sông, trước đây chiều nào cũng tập trung đông người, giờ chẳng có ai dám tới gần vì ô nhiễm...”.
Kể từ khi dòng nước sông Ba chuyển màu, ô nhiễm ở mức báo động đỏ, các cấp chính quyền địa phương đã vào cuộc với nhiều giải pháp được bàn bạc đưa ra nhằm trả lại sự trong sạch cho con sông. Song song với hoạt động tổng vệ sinh, rắc vôi khử trùng, tuyên truyền nâng cao ý thức người dân về bảo vệ môi trường, cơ quan chức năng cũng đã phối hợp với Trung tâm Kỹ thuật quan trắc môi trường thuộc Khu kinh tế Dung Quất (Quảng Ngãi) tập trung, khảo sát, đo đạc thu mẫu phân tích và kiểm tra thực tế quy trình vận hành hệ thống xử lý nước thải tại một số cơ sở sản xuất như: Nhà máy tuyển quặng KBang; Nhà máy đường An Khê; Công ty TNHH VEYU; Công ty TNHH Một thành viên MDF VINAOR Gia Lai. Kết quả kiểm tra cho thấy nhiều cơ sở vượt quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về nước thải công nghiệp từ 1,7 đến 2,5 lần.
Qua tìm hiểu của chúng tôi, trong 10 năm trở lại đây, dòng sông Ba đã nhiều lần bị các nhà máy trên địa bàn thị xã An Khê xả nước thải trực tiếp xuống dòng sông. Mặc dù cơ quan chức năng đã xử phạt các sai phạm trên, nhưng vẫn không cải thiện được tình hình và kết quả là sông vẫn đen và nước vẫn bốc mùi hôi thối. Nhiều người chua chát cho rằng, ngay cả nhu cầu thủy lợi tưới tiêu, sông Ba giờ đây đã trở nên “quá tải” cả về chất và lượng, chứ nói gì đến chuyện nước sinh hoạt???
Bao giờ hết cảnh nắng hạn, mưa lụt?
Có người ví dòng sông Ba giống như một thực thể sống, dưới tác động của con người, giờ đây nó mang trong mình nhiều mầm bệnh nan y. Thực trạng các nhà máy, cơ sở sản xuất đua nhau mọc lên dọc bờ sông và xả nước thải một cách bừa bãi, vô trách nhiệm với môi trường đã làm cho “cơ thể” sông Ba ốm yếu, suy nhược trầm trọng. Chưa hết, kể từ ngày sông Ba bị ngăn dòng làm thủy điện, “chứng bệnh” tâm thần lúc khô hạn, lúc lũ lụt thực sự là mối nguy hiểm khôn lường đối với hàng vạn hộ gia đình nông dân sống dọc lưu vực con sông.
Những trận hạn hán được xếp vào hàng “lịch sử” với mức độ nghiêm trọng năm sau luôn cao hơn năm trước cứ xuất hiện thường xuyên khiến nhà nông bao phen lao đao, khốn đốn do thiếu nước sản xuất. Rồi ngay khi trời đổ mưa, sông Ba bất ngờ... nổi sóng trở thành biển nước mênh mông. Còn nhớ năm ngoái, công trình thủy điện Sông Ba hạ tích nước bất ngờ xả lũ để tránh nguy cơ vỡ đập. Vậy là chỉ sau một đêm, cả một vùng hạ lưu sông Ba rộng lớn chìm trong biển nước. Lũ lên quá nhanh, con người còn trở tay không kịp huống chi đàn gia súc, gia cầm. Nhiều hộ gia đình chăn nuôi phá sản từ đó. Bước vào mùa mưa năm nay, theo quy luật, lũ chưa thể xuất hiện nên nhiều nhóm cây trồng của nhà nông đang bước vào kỳ ra hoa kết trái. Đùng một cái, công trình thủy điện An Khê - Ka Nak trên sông Ba bất ngờ xả lũ. Vậy là sau một đêm, hơn 43ha hoa màu các loại cùng nhiều tài sản giá trị khác của nhân dân bị cuốn phăng theo dòng lũ dữ... Tổng thiệt hại theo giá đền bù của công trình thủy điện An Khê - Ka Nak là 4,5 tỷ đồng... Rõ ràng, việc bồi thường thiệt hại cho bà con nông dân là điều bắt buộc, nhưng đó cũng chỉ là giải pháp tình thế để giải tỏa nỗi bức xúc trong dư luận quần chúng nhân dân. Vấn đề ở chỗ trách nhiệm, hay nói đúng hơn là kiểu làm bừa làm ẩu, coi thường tính mạng, tài sản nhân dân của Ban quản lý công trình thủy điện An Khê - Ka Nak cần phải có biện pháp xử lý cương quyết để tránh những điều tương tự xảy ra về sau.
Sông Ba khắc khoải - đó là thực tế báo động đang rất cần các cấp chính quyền, cơ quan chức năng và cả người dân trên địa bàn tỉnh Gia Lai xắn tay áo vào cuộc.
Thái Kim Nga - Xuân Hoàng (Nguồn: Báo Biên phòng)
[TT: H.T.N] |