Từ năm 2006, trên cơ sở thành công của dự án thí điểm xây dựng 4 Làng Thanh niên lập nghiệp (TNLN) dọc đường Hồ Chí Minh, được sự đồng ý của Thủ tướng Chính phủ, Trung ương Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh đã mở rộng dự án xây dựng 18 Làng TNLN dọc đường Hồ Chí Minh, biên giới và các xã đặc biệt khó khăn giai đoạn 2006 - 2010. Tổng nguồn vốn được phê duyệt là 460,273 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách là 372,349 tỷ đồng, nguồn vốn khác là 86,393 tỷ đồng. Cho đến nay, đã có 14 dự án thành phần được triển khai thực hiện cùng 14 BQL dự án với 76 cán bộ, hầu hết đều có trình độ đại học, cao đẳng. Các chủ đầu tư đã chủ động phối hợp với các sở, ngành và các cấp chính quyền lập quy hoạch, giải phóng mặt bằng, bố trí đất ở, đất sản xuất cho các hộ gia đình thanh niên. Với phương châm vừa tổ chức xây dựng cơ sở hạ tầng vừa tiếp nhận, bố trí ổn định dân cư, kết hợp tổ chức sản xuất đảm bảo cuộc sống, đến nay, các dự án đã tổ chức thực hiện đào đắp trên 500.000 m3 đất, gần 3.000 m3 bê tông; làm mới 02 đập thuỷ lợi, 8 km kênh mương cấp nước phục vụ sản xuất; xây dựng 59km đường giao thông, 6.200 m2 công trình dân dụng như: nhà văn hoá, nhà trẻ, trạm y tế…; xây dựng 17 trạm biến áp, 72 km đường dây trung, hạ thế; trên 200 giếng khoan, hệ thống nước tự chảy; rà phá bom mìn 225 ha; san lấp 45 ha mặt bằng đất ở và xây dựng trung tâm làng TNLN.
Công tác quy hoạch, bố trí, sắp xếp dân cư và vận động các gia đình trẻ trong độ tuổi từ 18 đến 25 có sức khoẻ tốt và có tinh thần tình nguyện vượt khó đến lập nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm của Làng TNLN. Hiện đã có 970 gia đình trẻ đến lập nghiệp (đạt 61% kế hoạch) với 2.928 nhân khẩu, trong đó người dân tộc thiểu số 1.570 người (chiếm 53,62%), giải quyết việc làm thường xuyên cho 1.686 lao động.
Tiêu biểu như Dự án làng TNLN biên giới Tây Sơn, tỉnh Hà Tĩnh; Na Ngoi, tỉnh Nghệ An; Trịnh Tường, tỉnh Lào Cai; Mo Rai, tỉnh Kon Tum và Dự án làng TNLN biên giới Ninh Điền, tỉnh Tây Ninh… Tính đến tháng 6/2010 đã có trên 800 trang trại được định hình; trồng mới, chăm sóc 357 ha rừng phòng hộ, 783 ha rừng kinh tế, hơn 1 triệu cây phân tán; khoanh nuôi, bảo vệ 5.437 ha rừng phòng hộ, trên 16.000 ha rừng tự nhiên sản xuất; trồng 132,5 ha cây ăn quả; 110 ha lúa nước, trên 50 ha mía, 215 ha cây ngắn ngày; kết hợp chăn nuôi 1.941 con trâu, bò, 88 con hươu sao, gần 2.500 con lợn và 18.000 gia cầm, thuỷ cầm; đưa vào sử dụng 53 ha mặt nước nuôi trồng thuỷ sản. Có 03 dự án liên kết trồng 705 ha cao su, mở ra hướng đi mới tạo điều kiện cho các hộ gia đình trẻ tiếp cận với phương thức sản xuất hàng hóa có thu nhập cao, phát triển bền vững. Chỉ tính riêng trong năm 2009, thu nhập bình quân tại 14 làng TNLN đạt gần 27 triệu đồng/hộ, điển hình có hộ đạt trên 70 triệu đồng, nhiều hộ đã mạnh dạn vay vốn, huy động nguồn lực từ gia đình đầu tư máy làm đất phục vụ sản xuất.
Bên canh việc tích cực lao động sản xuất, các làng TNLN còn phối hợp chặt chẽ với lực lượng vũ trang địa phương, tích cực tham gia các đợt huấn luyện dân quân tự vệ, xây dựng cụm tuyến dân cư an toàn và sẵn sàng chiến đấu, phát quang, tuần tra đường biên, mốc giới, cảnh giác với các đối tượng tội phạm qua biên giới… Hiện nay, các làng TNLN có 11 chi bộ Đảng, 06 chi đoàn cơ sở và 16 chi đoàn được thành lập với 102 đảng viên và 977 đoàn viên, thu hút gần 100 lao động có trình độ đại học, cao đẳng đến tham gia làm việc tại các dự án. Các chi hội Phụ nữ, câu lạc bộ Cựu quân nhân được hình thành, góp phần tăng cường xây dựng mối đoàn kết giữa làng TNLN với nhân dân và các lực lượng trong khu vực. Tuy nhiên, việc triển khai thực hiện Dự án Làng TNLN gặp nhiều khó khăn trong giải ngân nguồn vốn ngân sách.
Có thể khẳng định, làng TNLN có vai trò quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội gắn với nhiệm vụ xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Để tiếp tục nhân rộng mô hình này ở các xã vùng biên, vùng đặc biệt khó khăn, Trung ương Đoàn đã kiến nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về tổ chức và chính sách đối với thanh niên xung phong giai đoạn hiện nay, tạo cơ sở pháp lý cho các địa phương phát triển kinh tế-xã hội ở những địa bàn, lĩnh vực đặc thù để đội ngũ cán bộ trẻ yên tâm gắn bó lâu dài ở vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo; tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành và UBND các tỉnh liên quan khảo sát, lập dự án mở rộng xây dựng 10 làng TNLN khu vực biên giới và xã đặc biệt khó khăn đến năm 2015.
Quang Hải |