Những năm vừa qua, cùng với phát huy nội lực, bộ mặt nông thôn ở huyện Quỳ Hợp (Nghệ An) có nhiều khởi sắc nhờ nguồn vốn đầu tư của các các chương trình, dự án dành cho miền núi, trong đó có Chương trình (CT) 135. Nếu như ở giai đoạn I-CT 135, Quỳ Hợp đã triển khai một cách hiệu quả với những công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thiết yếu trên địa bàn các xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK), thì ở giai đoạn II (2006-2010) với dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, Quỳ Hợp đã quan tâm dành cho đồng bào nghèo vùng ĐBKK sự hỗ trợ thiết thực từ cây trồng, con giống đến cách làm ăn để thoát nghèo.
Xác định một trong những khâu then chốt quyết định thành công của dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất cho đồng bào vùng ĐBKK (CT 135 giai đoạn II) là khảo sát đánh giá đúng thực trạng hộ nghèo, nắm bắt nhu cầu của bà con để từ đó có sự hỗ trợ hợp lý và hiệu quả. Huyện Quỳ Hợp đã tập trung chỉ đạo các xóm bản thuộc 9 xã vùng ĐBKK tổ chức họp dân, bình xét hộ nghèo, các hộ nghèo đăng ký nhu cầu hỗ trợ cây trồng, vật nuôi... phù hợp với điều kiện hoàn cảnh gia đình. Trên cơ sở đó ban quản lý dự án huyện thẩm định, tổng hợp, tổ chức các lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật và giải ngân. Tính đến nay đã có 14 lớp tập huấn được tổ chức, 285 hộ nghèo ở các xã ĐBKK được chuyển giao kỹ thuật khuyến nông-khuyến lâm-khuyến ngư. Thông qua các lớp tập huấn này bà con đã hiểu hơn về cách chăm sóc, phòng trừ dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi, cách làm ăn để thoát nghèo.
Thực tế cho thấy bà con đã năng động hơn trong cách nghĩ cách làm, lựa chọn cho gia đình mình hướng thoát nghèo phù hợp. Về nhu cầu hỗ trợ không chỉ dừng lại ở phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm, một số gia đình đã đăng ký hỗ trợ trồng rừng, trồng tre lấy măng, mua máy cày mi ni, mua lò ấp trứng...
Trao đổi với chúng tôi, ông Lê Minh Đức, Trưởng ban quản lý dự án cho biết: Tổng nguồn vốn hỗ trợ sản xuất trong 2 năm 2006 và 2007 ở Quỳ Hợp là 1 tỷ 932 triệu đồng. Qua 2 đợt chuyển giao, các hộ nghèo đã được nhận 177 con bê lai sind, 100 con nghé, 7.600 con vịt bầu, 4.560kg cám phục vụ chăn nuôi vịt cùng với trên 30 tấn giống cỏ voi, 1.330 cây giống keo lai, 500 cây giống tre lấy măng Điền Trúc. Sắp tới các hộ nghèo đăng ký nuôi lợn, nuôi dê cũng sẽ được chuyển giao con giống.
Để hạn chế rủi ro đến mức thấp nhất, chính quyền các xã ĐBKK đã cử cán bộ cùng Ban quản lý dự án huyện đến tận nơi cung ứng giống để kiểm tra, chọn lựa và vận chuyển con giống về giao cho bà con. Nhờ vậy, đến nay qua khảo sát trên địa bàn tất cả 9 xã ĐBKK ở Quỳ Hợp, cây trồng vật nuôi được chuyển giao đều phát triển tốt. Số bê lai sind, nghé địa phương ngoài phát huy hiệu quả kinh tế còn góp phần “thay máu”- cải tạo tình trạng đồng huyết trên đàn gia súc hiện có của huyện.
Với những bước triển khai đồng bộ, quan tâm thiết thực đến nhu cầu của người nghèo. Dự án Hỗ trợ phát triển sản xuất và chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao trình độ sản xuất, thuộc CT 135 giai đoạn II đã thực sự tạo nên bước đột phá trong công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn các xã ĐBKK ở huyện miền núi Quỳ Hợp, Nghệ An.
Bài và ảnh: Cao Duy Thái |