Trong hai ngày 21-22/3/2008, tại Thanh Hoá, Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) phối hợp với Cơ quan Phát triển Liên Hợp quốc tổ chức Hội thảo “Giảm nghèo bền vững ở các huyện nghèo”.
Tới dự có các đồng chí: Nguyễn Thị Kim Ngân, Uỷ viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH; Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc; ông Christophe Bahuet, Phó Giám đốc quốc gia cơ quan phát triển Liên Hợp quốc (UNDP) tại Việt Nam, cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, đại diện các tổ chức quốc tế tại Việt Nam, các nhà khoa học trong nước, lãnh đạo Tổng cục, Cục, Vụ, Viện thuộc Bộ LĐTB&XH và đại diện lãnh đạo UBND 60 huyện nghèo nhất cả nước. Thực hiện mục tiêu thiên niên kỷ, những năm qua Đảng, Nhà nước đã và đang thực thi nhiều chính sách đồng bộ nhằm giảm hộ nghèo, khắc phục sự chênh lệch cuộc sống giữa các địa phương, vùng miền. Tuy nhiên, tỷ lệ hộ nghèo ở khu vực miền núi, vùng đồng bào các dân tộc thiểu số còn khá cao. Cả nước có 60 huyện có tỷ lệ hộ nghèo tới trên 50%, thu nhập đầu người chỉ đạt 2,1- 4 triệu đồng người/năm, bằng 1/3 bình quân chung cả nước. Tại Hội thảo, các tham luận cho rằng nguyên nhân của sự đói nghèo chủ yếu do thiếu kiến thức khoa học, kinh nghiệm tổ chức sản xuất, trình độ học vấn, chuyên môn thấp. Ý kiến tham luận của đồng chí Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc tại Hội thảo, đã thu hút sự quan tâm, theo dõi của đại biểu. Đồng chí Hà Hùng đưa ra một số giải pháp giảm nghèo bền vững như: Tạo ra chính sách môi trường đầu tư cho vùng cao; đưa các doanh nghiệp lên miền núi để thu hút lao động tại địa phương; nâng cao trình độ dân trí cho người dân; dạy nghề và tạo việc làm cho thanh niên nông thôn, đặc biệt là vùng đồng bào dân tộc thiểu số... Một số tham luận cho rằng cần tập trung thực thi giải pháp đẩy mạnh phát triển kinh tế diện rộng, có lợi cho người dân nghèo. Hình thành chương trình giảm nghèo toàn diện, tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc, nâng cao nhận thức cho nhân dân; tách chính sách an sinh xã hội ra khỏi chương trình giảm nghèo, thực hiện chính sách trợ giúp thường xuyên. Theo đó phải tập trung, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ 60 huyện nghèo nhất nước. Chính phủ cần tập trung thực thi xây dựng giảm nghèo toàn diện, đồng bộ, đẩy mạnh phát triển nông- lâm nghiệp, tiểu thủ công nghiệp theo hướng sản xuất hàng hoá và nhân rộng các mô hình kinh tế trang trại...
Tin và ảnh: Nhật Minh |