Nhà thơ Hà Thị Hải Yến quê xã Đại Lịch, huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái. Trên 20 năm cầm bút, chị đã cho xuất bản tác phẩm trong các tập: Cổ tích tình yêu (thơ in chung 1992), Thơ trẻ chọn lọc (in chung 1994 - 1998), Gái hôm rằm (tập thơ và truyện in chung 1998), Thơ tình sinh viên (in chung 1998), Chuyện rừng ơi (tuyển tập văn học dân tộc và miền núi 2007).
Chị đã đoạt giải ba cuộc thi viết về đề tài thanh thiếu niên tỉnh Yên Bái 1990. Hiện nay chị là Tiến sĩ Ngữ văn, hội viên Hội Văn học các dân tộc thiểu số Việt Nam, đang công tác tại Công ty Cổ phần sách dân tộc. Nhân Ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3/2008, Báo Dân tộc và Phát triển có cuộc trò chuyện với tiến sĩ Hà Thị Hải Yến.
* Quê hương với những mái nhà sàn thân thuộc, những đêm trăng sáng, những lời ru nồng nàn ánh lửa... là cả một tình yêu lớn trong thơ chị?
- Vâng, đúng thế. (Mỉm cười). Tôi còn nhớ như in, bản làng Tày của tôi hồi ấy có trên 30 nóc nhà, nằm dọc ven suối, quanh năm chảy róc rách. Từ ánh trăng, từ tiếng hát, lời ru của mẹ, câu chuyện kể của bà, giọt mồ hôi thấm đẫm áo chàm của người dân quê. Từ cái cọn nước, cái cối giã gạo mòn đêm, những hình ảnh về quê hương, về làng bản rất đỗi bình thường, giản dị, nhưng với tôi thật sâu nặng. Đó là những người mẹ - người phụ nữ quên cả tuổi thanh xuân để làm nên cuộc sống. Tôi đã viết những bài thơ bắt đầu từ một tình yêu như vậy: Quê tôi còn có những người đàn bà/ Đánh rơi tuổi xuân trên luống cày mùa hạ/ Họ thèm nghe một tiếng chồng sai bảo/ Tiếng con trẻ khóc đòi/ Họ mong được vắt kiệt mình/ Như bao người đàn bà khác/ Dẫu có tàn đi, héo đi/ Thế cũng là được sống!... (Những người đàn bà quê tôi).
* Mỗi nhà thơ đều gửi gắm suy tư của mình với nhiều chủ đề khác nhau, riêng nhà thơ Hải Yến đã dành khá nhiều tâm huyết khi viết về tình yêu đôi lứa ?
- Quả thật, đối với người cầm bút không gì sung sướng hơn khi tự bộc bạch được mình qua tác phẩm. Tình yêu không chỉ gửi gắm những nỗi niềm riêng tư mà nó còn là khát vọng của những ai được sống và được yêu. Những bài viết về tình yêu giản dị mà tôi thật sự khó quên: Em sẽ là ai/ Nếu cuộc đời em có thêm anh nữa/ Còn thơ em sẽ có thêm lời hoa mĩ/ Hay vẫn bình thường như vốn giản đơn/ Nếu có thêm anh trong em/ Bông cúc nhỏ có còn mang sắc nắng?/ Em có còn là em khi xưa.../ Em có trái tim thiếu nữ bất kham/ Chưa khuất phục trước một người trai trẻ/ Nhưng nếu yêu anh em không còn em nữa/ Thì chẳng bao giờ em muốn có anh.
* Trước dòng chảy của cuộc đời thường đầy sự cuốn hút, đầy ma lực, trong thơ chị vẫn luôn giữ được chất đằm thắm, dịu dàng, mang sắc thái riêng của nét văn hóa Tày?
- Tôi nghĩ, là người con của dân tộc Tày, của núi rừng. Dù đi đâu, về đâu, mình cũng không thể quên được những ấn tượng sâu sắc về nguồn cội. Nơi ấy đã neo buộc tình yêu và khát vọng của tôi, vì thế trong suy tư sâu thẳm của mình tôi cũng không thể giấu được chính mình: Khi xưa em dịu dàng - Anh mải mê quên đường xuống núi/ Mùa đông tới/ Tung vó ngựa lên yên/ Váy áo cô gái Mông thơm mùi chàm/ Thơm hơn mái tóc của em/ Đến hội cồng chiêng/ Bên chum rượu cần/ Anh quên câu hát ví/ Em thành loài nhím/ Trước anh/ Cây thông xanh/ Lá không thể non mềm trước mùa đông giá rét/ Cớ sao anh trách em không dịu dàng.
* Có thể nói: Thơ của Hải Yến không ồn ào, không hoa mĩ, không chỉ dung dị mà còn có độ lắng như men của rượu lá... chị nghĩ gì về lời bàn trên?
- Cũng đúng thôi. Tôi chỉ viết về những gì gần gũi ấn tượng hàm chứa ý nghĩa nhân văn sâu sắc. Khi phát hiện được ý mới, thực sự làm rung động lòng mình, là tôi viết, chẳng hạn:
Quê tôi có những người đàn bà/ Chưa bao giờ đi xa/ Họ suốt đời trong khu rừng của mình/ Cấy trồng, gặt hái suốt đời/ Họ là lửa sưởi ấm chồng con/ Họ tàn đi, héo đi mà không hề đòi hỏi/ Những người đàn bà sinh ra trong rơm và lớn lên từ rạ/ Quen mặc áo nâu sồng/ Tình yêu ấm nồng như lửa/ Họ là bài ca xứ sở lặng thầm...Hoặc biết thời gian sẽ chẳng đợi chẳng chờ/ nên đã sống cho những ngày đẹp nhất/ biết tuổi xuân thể nào rồi cũng mất/ nên đã yêu bằng cả trái tim mình (về quãng đời đẹp nhất)
* Dự kiến trong sáng tác mới của chị?
- Là người con của núi rừng. Tôi nghĩ, dù đi đâu, dù về đâu mình cũng không thể nào quên được cội nguồn nơi mình đã sống và trưởng thành, điều may mắn hơn với tôi là được sự nuôi dạy, được trưởng thành trong tình yêu thương của thầy cô, của bạn bè của những người thân. Và tôi cũng đã vượt lên chính mình để sống, làm việc và đam mê viết về tình yêu, viết về đồng bào, về dân tộc mình. Ngoài thơ, sắp tới tôi sẽ thử nghiệm mình trong những trang văn xuôi. Tôi hy vọng mình sẽ gửi gắm được điều gì trong những trang viết tâm huyết của mình.
* Xin cảm ơn Tiến sĩ. Chúc chị hạnh phúc và có nhiều tác phẩm hay, xứng đáng với sự đón đợi của bạn đọc.
Duy Hồng (thực hiện) |