Hiện nay các tỉnh ĐBSCL đã và đang xây dựng nhiều chợ nông thôn với kinh phí khá lớn từ vài trăm triệu đồng đến cả tỷ đồng. Tiền đầu tư xây dựng chợ do ngân sách Nhà nước bỏ ra nhưng hiện nay rất nhiều chợ xây xong bỏ trống, không có người vào bán, gây lãng phí rất lớn, trong khi nhiều chợ đang xuống cấp.
Ở tỉnh Sóc Trăng ngay tại T.P Sóc Trăng có chợ Nhâm Lăng, Phường 5 (thuộc chương trình 135 của Chính phủ) được đầu tư trên 500 triệu đồng nhưng không có người vào buôn bán, nhà lồng chợ bỏ trống, tiểu thương che lều bán ở bãi cỏ bên ngoài. Tại phường 4 TP.Sóc Trăng có chợ Sung Đinh nằm cuối đường Lý Thường Kiệt nối dài, được đầu tư xây dựng trên 1 tỷ đồng hiện nay nhiều ki ốt cửa đóng im ỉm, khu nhà lồng bỏ trống.
Không riêng gì ở T.P Sóc Trăng, các huyện khác trong tỉnh Sóc Trăng cũng có nhiều chợ đầu tư khá lớn nhưng không có người đến mua bán, chợ hoang vắng. Đó là chợ Thuận Hưng và chợ Mỹ Thuận thuộc huyện Mỹ Tú được đầu tư không dưới 500 triệu đồng/chợ (từ nguồn vốn chương trình 135) nhiều năm qua vẫn vắng tanh.
Anh Hồ Phước Thọ ở gần chợ Nhâm Lăng Phường 5, T.P Sóc Trăng nói: “Thật ra, chợ Nhâm Lăng hoạt động không có hiệu quả đã được dự báo trước, bởi chợ nằm ở địa thế không thuận lợi, cộng thêm quá gần chợ trung tâm Sóc Trăng và chợ Bông Sen (Phường 6) cách đó chưa đến 1 km vừa sạch sẽ và đầy đủ hàng hoá mua gì cũng có. Thế nhưng, địa phương vẫn cố xây dựng chợ tốn kém hàng trăm triệu đồng một cách lãng phí”.
Còn ở tỉnh Bạc Liêu có chợ xã An Trạch Đông thuộc thị xã Bạc Liêu được triển khai xây dựng năm 2004 với nguồn vốn đầu tư 560 triệu đồng, đến tháng 10/2006 mới hoàn thành, nhưng đến nay vẫn chưa đưa vào hoạt động. Nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng chợ... “chờ khách” là do chợ xây dựng không đảm bảo về kỹ thuật, trời nắng thì nóng chịu không nổi, còn trời mưa bị nước mưa tạt vào sũng nước, nên chợ này đang được thiết kế lại. Vả lại chợ xây dựng cách xa khu dân cư, nên khó thu hút người đăng ký và người tiêu dùng tập trung về chợ để mua hàng hoá và chợ cách khu dân cư gần nhất cũng trên 2 km.
Chợ xã Tân Hiệp ở huyện Trà Cú-Trà Vinh cũng chung số phận với các chợ nêu trên. Với kinh phí gần 1 tỷ đồng từ nguồn vốn chương trình 135, chợ trung tâm xã Phong Phú-Cầu Kè-Trà Vinh được đầu tư nhiều hạng mục công trình khá qui mô gồm diện tích nhà lồng rộng hơn 6.000 m2, đường nội bộ, bờ kè, hệ thống thoát nước... kinh phí khoảng 3 tỷ đồng, nhưng đến nay chợ vẫn vắng tanh như “chùa Bà Đanh”.
Bên cạnh đó, do không có người quản lý nên nhiều chợ nhanh chóng xuống cấp, khu vực nhà lồng chợ hoang vắng, người dân xung quanh thường xuyên dẫn trâu bò vào đây nằm tránh nắng, cỏ dại đang tấn công vào chợ. Ngoài ra, tại các chợ này ban đêm là điểm nóng gây mất an ninh trật tự..
Theo tìm hiểu chúng tôi được biết, nguyên nhân chính là do trong quá trình lập dự án, triển khai xây dựng, những người quản lý không nghiên cứu kỹ các điều kiện khách quan cũng như kỹ thuật thiết kế: chợ nằm vị trí không thuận lợi, bất tiện, xa khu dân cư hoặc quá gần chợ trung tâm... người dân không có nhu cầu họp chợ; xây dựng chợ không đúng qui hoạch của ngành thương mại, một số chợ được xây dựng theo quán tính rất chủ quan của lãnh đạo địa phương...
Rõ ràng, phong trào chạy đua xây dựng chợ ở một số tỉnh ĐBSCL không xuất phát từ nhu cầu mong muốn thực tế của người dân, đã và đang gây thất thoát của Nhà nước nhiều tỷ đồng.
Bài và ảnh: Phương Nghi |