Tô Hoà
Bạc Cầm Cường, 43 tuổi người dân tộc Thái ở bản Chiềng Chung, thị trấn Tuần Giáo, Lai Châu vốn là một “dân chơi” có máu mặt. Trong một lần sử dụng ma tuý có tổ chức, Cường bị công an thị trấn Tuần Giáo bắt. Toà án huyện Tuần Giáo xử phạt 12 tháng tù nhưng cho hưởng án treo. Những cuộc gặp gỡ, tiếp xúc thân tình của công an bản đã làm cho Cường suy nghĩ rất nhiều (năm đó Cường 32 tuổi). Sau nhiều đêm trằn trọc suy nghĩ Cường nhận ra rằng: “Muốn làm việc gì đến nơi đến chốn cũng đều phải có ý chí và nghị lực” nên anh quyết tâm tự cai nghiện. Trước tiên phải phải tránh xa các môi trường dễ bị lôi cuốn. Đám đàn em, đệ tử cứ tìm đến Cường với những lời lẽ đường mật: “Biết anh Cường được thả về, bọn em đến mừng anh bằng một “cữ” làm quà”. Cường quyết liệt từ chối và bỏ lên thành phố Điện Biên Phủ ở với người chị gái. Bỏ thuốc được 9 tháng, Bạc Cầm Cường rất tự tin vào nghị lực và ý chí của mình. Anh quay về bản Chiềng Chung. Bạn bè và đám em út nghe tin anh Cường về bản với vẻ hồng hào khoẻ mạnh lại kéo đến chúc mừng. Cai được thuốc, Cường chuyển sang uống rượu rất khoẻ. Hết rượu cần lại đến rượu chít... Và rồi trong men say những lời tâng bốc, Cường không làm chủ được mình. Anh lại tái nghiện. Suốt bảy năm Cường đi cai nghiện, cai đi cai lại đến 15 lần. Vào đầu năm 1999 Cường lại một lần nữa quyết tâm cai nghiện. Anh ra các nhà sách ở thành phố Điện Biên Phủ tìm mua cuốn “Những cây thuốc Việt Nam” của GS Đỗ Tất Lợi, cuốn “Thuật tư tưởng” của Nguyễn Duy Cầm đem về nhà nghiên cứu nhằm tìm ra phương pháp tự cai nghiện.
Đến “cữ”, Cường uống thuốc an thần, thuốc chống nôn và thuốc tăng lực. Cường đã vận dụng ngay những bài học tự kỷ ám thị trong cuốn sách “Thuật tư tưởng” của Nguyễn Duy Cầm. Sau nhiều lần “ngồi thiền” cùng với sự trợ giúp của thuốc cắt cơn, Cường đã thực sự chia tay với ma tuý. Người đàn ông Thái ở độ tuổi tứ tuần, từng trải qua mọi thứ ăn chơi đã tự vượt qua bên kia bờ vực thẳm.
Động lòng trắc ẩn khi gặp lại những người bạn bè cũ đang tiếp tục lao vào con đường nghiện hút để rồi bây giờ vẫn chui rúc, vật vã mỗi khi lên cơn. Xót xa và thông cảm, Cường suy nghĩ: “Mình đã tự cai nghiện được tại sao không sử dụng phương pháp tự cai nghiện của mình để cai nghiện cho người khác? ý tưởng này đã thôi thúc Bạc Cầm Cường tự học thêm châm cứu, bấm huyệt... Cường đến trung tâm cai nghiện 05, 06 của tỉnh để xin được tư vấn cai nghiện cho bạn cũ. Rồi anh đến Thanh Nưa và đứng ra nhận cai nghiện cho 5 thanh niên trong xã. Phương pháp cai nghiện của anh đã tỏ rõ hiệu quả. Một người bà con của Cường ở xã Búng Lao biết chuyện bèn đón Cường về cai cho một số con em bị nghiện trong bản. Tiếng lành đồn xa, mấy bản gần đó nghe tiếng “thầy” Cường cai nghiện ma tuý mát tay cũng đua nhau đem con đến. Căn nhà sàn của người bà con tuy rộng những không đủ chỗ cho người bệnh. Thấy vậy, chính quyền xã Búng Lao đã đứng ra vận động nhân dân xây dựng lều trại và đề nghị “thầy” Cường ưu tiên cai nghiện hết cho những người nghiện ma tuý trong xã. Tính ra, từ ngày 23/9/2002 đến 13/1/2003, Bạc Cầm Cường đã cai nghiện cho 27 người nghiện ma tuý. Đợt tiếp theo, “thầy” Cường đã tổ chức cai nghiện cho 10 người nghiện còn lại mà chính quyền xã Búng Lao vừa tập hợp được. Chỉ có vài người do không làm theo chỉ dẫn nên tái nghiện.
Qua một thời gian thực nghiệm Bạc Cầm Cường đã hoàn chỉnh được quy trình chữa trị theo hai giai đoạn: Cắt cơn và tiếp tục cai cho đến khi dứt. Cả hai giai đoạn đều không dùng đến thuốc mà chủ yếu bấm huyệt, châm cứu và hướng dẫn tự kỷ ám thị. |