Nông Bùi Phương
Trong dòng chảy vô tận của cuộc sống, cái cũ qua đi để lại cái mới hồi sinh. Tháng năm trôi, “Tre già ấm bụi, măng lại mọc”. Hoà chung nhịp thở thời gian, những nam thanh, nữ tú người Tày làm quen nhau qua các phiên chợ, mắt trong mắt, tay trong tay, đi chơi chợ hát sli, hát lượn “Nhì à... Sloong hao...” (bạn à... hai ta...) để rồi, sau buổi chợ lời hát “xào páo” (giao duyên) êm đềm vắt qua đỉnh núi, chảy trên cây rừng, nối dài thương nhớ hẹn hò, thề thốt yêu đương:
... “Thương nhau thương cho đặng/ Kết nhau, kết cho lâu/ Khi nào hoẵng lìa rừng mới bỏ/ Khi nào trâu lìa cỏ sẽ thôi...”
Biết bao rung cảm bâng khuâng được tích tụ qua nhiều tuần con trăng lên, con trăng tàn đến độ nồng thắm. Tới tháng tám, gió heo may nhè nhẹ lay động gọi khóm cúc quì trên triền núi, xoè muôn cánh vàng mỏng manh dưới nắng thu vàng như mật con ong là đến mùa đôi lứa người Tày làm đám cưới.
Hôn nhân là việc hệ trọng, là bước ngoặt lớn trong đời người, vì thế nghi lễ cưới của người Tày diễn ra thật tỉ mỉ, chu đáo. Trong tục cưới xin, ông mối, bà mối thay mặt nhà trai đóng vai trò hết sức quan trọng. Ông bà mối chọn ngày lành, tháng tốt mang lễ vật mỗi thứ một đôi: đôi gói chè, đôi phong bánh khảo, đôi cỗ hoa quả... sang nhà gái làm lễ “dạm hỏi”. Gia đình nhà gái “ưng bụng” ghi lá số gồm năm, tháng, ngày, giờ chào đời của cô gái để ông bà mối trình nhà trai. Tiếp đến là lễ “minh hom” và lễ “khả cáy”. Lễ “minh hom” là lễ mừng lá số hai bên trai gái tâm đầu ý hợp, sống đến lúc mái đầu nhuộm trắng màu sương núi. Trong lễ “minh hom” nhà trai mang sang nhà gái một mâm xôi hồng, một đôi gà và đôi chai rượu để trình “ma” nhà gái. Hai ngày sau lễ “minh hom”, ông bà mối mang sang nhà gái một buồng cau, hai quả bánh dầy, hai đôi gà và đôi dải lụa hồng để thầy “tào” làm lễ “khả cáy” xem chân gà, chọn ngày đẹp làm lễ “ăn hỏi”. Lễ “ăn hỏi” là lễ báo ngày cưới và đôi bên gia đình cùng bàn sắm đồ sính lễ, đặt tiền làm lễ cưới.
Theo phong tục người Tày, lễ cưới chính, nhà gái làm cỗ từ chiều hôm trước. Nhà trai đưa sang nhà gái thịt lợn, gạo nếp, gạo tẻ, gà, rượu, trầu cau và tiền cưới. Khi trời vừa tối, sương núi sà thấp ngang ngọn cây, những ngọn đèn được thắp sáng, họ hàng nhà gái từ người già đến trẻ nhỏ cùng cô dâu, chú rể và đám bạn bè đồng lứa quây quần sum họp chật sàn nhà. Ai nấy đều mặc quần áo chàm đẹp nhất, nói cười hỉ hả chia vui cùng cô dâu, chú rể.
Bảy giờ tối, nhà gái mời thầy Tào về cúng. Trên bàn thờ giữa nhà, nhang trầm cháy đỏ, toả hương thơm dìu dịu quấn quýt, mâm cúng được bày lên, thầy Tào cúng bằng tiếng Tày mời người đã khuất về chứng ngày vui của con cháu. Thầy cúng xong, gia chủ đại diện mời mọi người bằng lời hát:
“Đêm nay đèn nhà đám sáng tưng bừng không lụi/ Mọi người cởi mở bày tỏ niềm vui qua chén rượu / Đêm nay chúng ta mời rượu không mời chén/ Ta mời nhau ba chén rượu nồng/ Ta mở lòng vui với nhau/ Vui như con chữ vải của nhà đám...”
Mọi người vui hát sli, hát lượn, lời nối lời thánh thót vang vọng núi rừng, kéo dài thâu đêm. Sáng sớm, đoàn người nhà trai sang rước cô dâu về nhà chồng. Lúc này ông quan làng là ông mối nhà chú rể cất giọng hát xin rước dâu.
Cuộc vui của đám cưới có say sưa, tưng bừng hay không là nhờ ở tài ba thơ ca và giọng hát của ông quan làng. Có lẽ vì thế ở nhiều nơi người ta gọi hát đám cưới là hát quan làng. Ông quan làng giao thiệp bằng những lời ca tế nhị, đằm thắm làm ấm bụng họ hàng cô dâu, để họ đồng ý cho rước dâu. Những thử thách của họ nhà gái thường mang ý nghĩa tượng trưng như “căng dây” bằng một sợi chỉ chăng ngang cửa, “giữ cửa” bằng cách nhốt con chó đặt ở sàn nhà, một chiếc đòn gánh đặt ngang lối đi... Những vật đó bỗng trở thành “bức tường” kiên cố ở trước mặt đoàn nhà trai. Quan làng lần lượt cất tiếng hát mà phải hát hay, hát đối đáp nhanh hơn nhà gái.
Có đám cưới họ nhà gái hỏi:
“Nói cho mình, hai khay bày cỗ
Mình lấy gì đặt trong khay chè”
Ông quan làng nhà trai đáp:
“Nói cho mình, bà con họ xuân
Ta lấy cô chén, cậu bát đặt trong khay chè”
Bên họ nhà gái hát hỏi:
“Hỡi mối chính mối phụ
Các ông hãy trăm lòng, nghìn lòng giúp tôi ra hỏi lại mối mai bên ấy
Hàng lễ cưới có hay chưa có?
Tiền bạc đủ hay chưa đủ?”
Ông quan làng nhà trai cất lời hát nhẹ nhàng êm ái:
“Ông bà hãy sắm váy sắm áo
Sắm cho đủ
Mối mai tôi quay về
Bảo ông bà bên kia sắm rượu sắm thịt cho đầy đủ...”
Lời hát quan lang có khi được truyền miệng từ đời khác nhưng cũng có câu hát phải ứng tác kịp thời. Người nghe chăm chú theo dõi ôn lại những tình ý đã quen tai cũng không kém thú vị. Chờ đợi những lời mới sáng tạo lại càng say mê hơn. Có nhiều đám cưới trở thành đám thi hát. Hát trôi chảy thì được “cắt dây” “vào cổng” “lên nhà” có chiếu ngồi. Không hát được thì phải chờ đợi phạt uống rượu thay lời hát. Hai họ vừa là công chúng thưởng thức và là người xét thưởng, phạt. Những việc đó diễn ra sôi nổi hào hứng, náo nhiệt. Vì thế, đám cưới người Tày không có thơ hát, bao nhiêu rượu cũng nhạt. Trước lúc đón dâu đi, ông quan làng hướng lên mâm cúng trên bàn thờ tổ tiên nhà gái, ở đó có thủ lợn ngậm đuôi của nó, vấn vít trong dải nơ hồng đào nối liền tấm vải nửa trắng, nửa đỏ cuộn tròn có hai bông hoa giấy đỏ ở hai đầu, rồi hắng giọng khấn: “ôi công đức mẹ cha tựa như núi cao trời rộng, cha cho giọt máu, mẹ cho hình hài. Những đêm mưa gió chỗ ướt mẹ nằm, chỗ khô phần con. Nay con đã lớn khôn lập gia đình, tấm vải ướt - khô này nhà trai xin kính dâng đền công ơn mẹ sinh cha dưỡng! Xin cha mẹ cùng nội xuân, ngoại họ cho gia đình nhà trai được đón dâu về để ông bà, họ mạc cùng mừng...”.
Ông quan làng phải vượt qua bao cửa ải mới rước được cô dâu về nhà chồng. Người con gái Tày đi lấy chồng mang theo nhiều của hồi môn đựng trong những chiếc “loỏng” sơn màu sặc sỡ. Phần lớn của hồi môn là vải vóc, quần áo, chăn màn do cô gái tự dệt và may lấy. Số vải vóc này đủ dùng cho một đời người.
Tới nhà trai, cô dâu chú rể vào lễ công báo trước bàn thờ gia tiên họ nội. Thầy Tào cúng trịnh trọng trình tấu tổ tiên: “ơi rẫy núi cả sau mường, dãy núi lớn sau bản người uy nghi ở trên cao chứng giám tình thương yêu của đôi trẻ cho chúng được hưởng hạnh phúc lứa đôi...”. Chú rể và cô dâu chắp tay vái tổ tiên, uống chén rượu thề chung thuỷ trăm năm rồi được ông bà đưa đón vào buồng hạnh phúc. Sau khi “Pả mẻ” (chị của mẹ) “nộp dâu” cho họ nhà trai thì họ nhà gái xin phép ra về và để hai cô phù dâu ở lại nhà chú rể. Những cô gái này gọi là “phù dâu ba hôm” vì họ ở nhà chú rể, đến ngày thứ ba thì cùng chú rể cô dâu làm lễ “lại mặt” họ ngoại, hai ngày sau mới trở lại nhà chồng để đôi vợ chồng trẻ cùng về báo đáp công ơn cha mẹ, vun đắp hạnh phúc tương lai.
Đám cưới người Tày thật vui và mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc. Theo như người già truyền lại thì đám cưới ngày xưa còn nhiều hủ tục rườm rà lắm, nay chỉ giữ lại những tục lệ chính mang đậm nét đẹp văn hoá riêng, ẩn chứa tính nhân văn và lòng nhân ái, kính trọng và tình đoàn kết thôn bản gắn bó keo sơn. |