Seo Hay và Si Thâu Chải là 2 bản thuộc diện khó khăn nhất của xã Kan Hồ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu có địa hình hiểm trở, nằm cheo leo trên sườn núi bên kia bờ Sông Đà, chưa có điện lưới quốc gia. Đây cũng là xã có đồng bào dân tộc Si La cư trú (một trong 5 dân tộc thiểu số ít người nhất của Việt Nam). Bản Seo Hay có 54 hộ, 233 khẩu thì có đến 22 hộ nghèo. Hầu hết gia đình đồng bào Si La sống tập trung ở 2 bản Seo Hay và Si Thâu Chải đều nằm trong diện đói nghèo, thiếu ăn hằng năm. Xác định được nhiệm vụ quan trọng là công tác XĐGN, Hội phụ nữ xã đã rà soát số hộ phụ nữ dân tộc Si La nghèo để có biện pháp giúp đỡ, hỗ trợ, đầu tư cho phụ nữ nghèo làm chủ hộ ở dân tộc Si La như: Thông qua các nội dung tập huấn khuyến nông, lâm và hướng dẫn phụ nữ ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất. Được Nhà nước hỗ trợ, chị em đã tích cực đưa giống mới vào sản xuất đạt năng suất cao, tích cực khai hoang tăng diện tích ruộng nước, phát huy nội lực giúp nhau phát triển kinh tế gia đình. Từ chỗ chỉ đốt nương, kiếm rau rừng theo bản năng tự nhiên nay chị em đã biết phát rẫy, trồng sắn, trồng lúa. Nhiều chị đã học hỏi được kinh nghiệm sản xuất, biết áp dụng KHKT đưa giống mới vào sản xuất, áp dụng thâm canh tăng vụ, tăng diện tích khai hoang... đạt sản lượng cao. Chị em đã biết dùng đồng vốn uỷ thác để mua trâu, bò, lợn...để chăn nuôi. Một số chị đã hoàn trả lãi, vốn đầy đủ, đúng hạn, mua sắm được dụng cụ thiết yếu của gia đình. Hiện nay, đàn trâu, bò của bản đã tăng dần về số lượng, chất lượng chăn nuôi cũng đã đạt đến tiêu chuẩn, hạn chế được số trâu, bò bệnh, chết. Tại Chi hội Phụ nữ bản Seo Hay và Si Thâu Chải đã thành lập được 3 tổ tín dụng-tiết kiệm (TDTK) của hội viên dân tộc Si La, từ đó chị em có điều kiện giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn hơn, động viên nhau và thắt chặt tình đoàn kết xóm làng.
Phụ nữ Si La đã biết “tương thân, tương ái” giúp đỡ lẫn nhau trong lao động, sản xuất bằng các hình thức như: trao đổi ngày công lao động, giúp nhau giống, vật nuôi... Đây chính là điều kiện để chị em tham gia vào tổ chức Hội, thúc đẩy phong trào.
Điều kiện sống của đồng bào và phụ nữ dân tộc Si La còn rất nhiều khó khăn, song họ đã nỗ lực để đời sống “con em họ được thay đổi hơn cha mẹ”. Hội Phụ nữ xã đã đóng góp không nhỏ vào thành quả chung đó. Chính động lực này đã thúc đẩy chị em tham gia sinh hoạt Hội ngày càng đông. Đến nay, số hội viên đã tăng so với nhiệm kỳ trước là 82 hội viên, tỷ lệ thu hút hội viên đạt 63%. Ở một vùng núi cao điều kiện đi lại khó khăn thì con số này cũng là một con số đáng tự hào.
Nhờ có tổ chức Hội Phụ nữ, chị em được học hỏi, gắn kết tình làng, nghĩa xóm, cùng nhau xây dựng bản mường, xóm làng để thực hiện tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, đưa hoạt động công tác Hội ở vùng dân tộc thiểu số ngày càng khởi sắc.
Bảo Trân |