Nếu có dịp đến Lai Châu, mời bạn hãy lên thăm huyện biên giới Phong Thổ và khi đã tới Phong Thổ rồi, mời bạn hãy một lần lên thăm Dào San... Dào San là xã trung tâm của cụm 8 xã biên giới phía Bắc huyện Phong Thổ, là một trong số 93 xã vùng III của tỉnh Lai Châu. Toàn xã hiện có 14 bản, 814 hộ với 5.270 khẩu, gồm 5 dân tộc: Mông, Hà Nhì, Dao, Thái và Kinh, trong đó, dân tộc Mông chiếm 90% dân số. Trong buổi làm việc với chúng tôi, ông Sùng A Tủa, dân tộc Mông, Chủ tịch UBND xã cho biết: Dào San có diện tích tự nhiên 6.710 ha, nhưng toàn xã chỉ có 406ha cây lương thực, trong đó 172ha cây lúa nước. Tổng sản lượng lương thực và cây đỗ tương của xã hàng năm thu được khoảng 100-110 tấn, bình quân lương thực đầu người khá thấp (khoảng 80kg thóc/năm), có bản như bản Sín Sảng A mỗi năm thiếu ăn từ 3-4 tháng; tình trạng thất học, phá rừng, các tệ nạn xã hội như: trộm cắp, nghiện hút... vẫn còn xảy ra, có lúc, có nơi khá gay gắt. Làm cho tình hình an ninh trật tự và an toàn xã hội trên địa bàn xã, có nhiều diễn biến phức tạp.
Năm 1993, thực hiện chủ trương của tỉnh về việc phá bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện trên địa bàn, thì các giống ngô năng suất cao, khoai tây, thảo quả và mận tam hoa được huyện đưa về xã, với mục tiêu thay đổi cơ cấu cây trồng. Tuy nhiên, cây trồng đưa vào canh tác cũng gặp không ít khó khăn.
Cây khoai tây cho năng suất cao phù hợp với thổ nhưỡng, nhưng bà con dân tộc chưa biết cách để giống cho vụ sau, nên mỗi năm phải nhập giống 1 lần. Cây ngô phát triển tốt, nhưng chủ yếu dựa vào điều kiện tự nhiên, do vậy, gặp năm thời tiết thuận thì sản lượng cao, năm mưa nắng thất thường thì thu hoạch chỉ đủ làm giống cho mùa sau. Riêng cây mận tam hoa thì hoàn toàn thất bại, lý do vì Dào San ở độ cao gần 2.000m, một năm có tới 8 tháng rét, nên cây mận chỉ ra hoa mà không kết trái.
Giữa lúc đó thì, “Chương trình 135 như dòng nước mát về bản. Đồng bào Dào San biết ơn Đảng nhiều lắm!”. Đó là câu nói mộc mạc của ông Sùng A Sang-dân tộc Mông, Bí thư Đảng uỷ xã Dào San. Tháng 7 năm 1998, Chính phủ đầu tư cho các xã đặc biệt khó khăn, trong đó có cụm 8 xã biên giới huyện Phong Thổ. Ở mỗi xã đều thành lập các Ban Chỉ đạo thực hiện Chương trình 135. Tại trung tâm Dào San, tỉnh tăng cường cho một cán bộ từ Bộ chỉ huy Biên phòng tỉnh, huyện Phong Thổ cử một cán bộ chuyên môn cùng phối hợp chỉ đạo. Cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng 281 không quản ngại khó khăn, thay nhau xuống từng hộ nông dân tìm hiểu tâm tư nguyện vọng của đồng bào.
Nhờ sự kiên trì vận động của Đồn, người dân Dào San đã biết sản xuất cây lương thực 2 vụ/năm, không uống nước lã, ngủ đêm mắc màn chống muỗi, ốm đau đi bệnh xá chứ không cúng ma như trước. Qua khảo sát của các đồn biên phòng đứng chân trên địa bàn, mọi người đều thấy rõ 8 xã nằm trong cụm Dào San bà con các dân tộc đang thiếu nước sạch phục vụ cho sinh hoạt. Ban Chỉ đạo 135 cụm 8 xã đã bắt tay vào làm mới trường học, xây đập ngăn suối lấy nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, làm bể chứa nước sạch phục vụ cho sinh hoạt, xây dựng các trạm y tế xã để chăm sóc sức khoẻ cộng đồng. Tại trung tâm xã có dịch vụ bưu điện, trạm thu phát truyền hình, có bể nước sạch và phòng khám đa khoa khu vực. Trước khi thực hiện chương trình 135, toàn cụm có 50% số hộ đói nghèo, tháng 4 năm 2001 giảm còn 20%. Hiện nay toàn xã đã có gần 500 gia đình sử dụng máy phát thuỷ điện nhỏ, hầu như nhà nào cũng có Rađiô. Cây thảo quả được coi là cây chủ lực với tổng diện tích là 360ha, tăng 95ha so với năm 1996. Cả cụm 8 xã bắc Dào San từng bước bớt khó khăn, đúng như mục tiêu Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện Phong Thổ lần thứ 15 đề ra.
Giờ đây có dịp trở lại Dào San, chúng ta sẽ không khỏi ngạc nhiên khi thấy đời sống của bà con các dân tộc đã có nhiều đổi thay đáng kể. Ngày Tết, ngày chợ, đám cưới... thường réo rắt tiếng khèn, tiếng sáo, tiếng hát ngợi ca Đảng, ngợi ca tình quân dân và ngợi ca cuộc sống hạnh phúc, ấm no.
Bài và ảnh: Đức Duẩn |