Nhìn những đứa trẻ sạm nắng đen nhẻm đang say sưa ngồi trước máy vi tính, hay sôi nổi với lớp học tiếng Anh ngoài giờ, không ai có thể biết được các em là con của những người dân chài nghèo, một đời lận đận với con cua, con ốc. Để làm thay đổi được cuộc sống của các em, công sức đầu tiên là của những người làm công tác trong Hội chữ thập đỏ (CTĐ) của địa phương, trong đó có sự quan tâm của các cấp chính quyền, đoàn thể cùng nỗ lực giúp con em làng chài sớm thoát khỏi cuộc sống lạc hậu, nghèo nàn. Tam Thanh là xã nghèo ven biển của tỉnh Quảng Nam, phần lớn người dân sống nhờ vào nguồn thu nhập bán con cua, con ốc kiếm được từ khu vực ven biển. Xã Tam Thanh có 1500 hộ, tỉ lệ đói nghèo hiện vẫn còn tới gần 15%, chủ yếu rơi vào những gia đình không có đất sản xuất hoa màu, sống bằng nghề chài lưới. Khi mùa mưa đến con cua, con ốc khó kiếm, nhiều hộ gia đình rơi vào cảnh thiếu đói “Cơm không đủ ăn nói chi đến chuyện đầu tư cho con học hành” – một gia đình trong làng chài nói.
Ông Bùi Tấn Bửu, Chủ tịch Hội CTĐ xã Tam Thanh tâm sự: Trước thực trạng trên, cấp uỷ đảng, chính quyền, các tổ chức đoàn thể trong xã cũng đã bàn bạc đưa ra nhiều phương án giúp đỡ người dân làng chài, tập trung vào chủ trương kêu gọi bà con “tương thân, tương ái” giúp đỡ nhau khi gặp hoạn nạn khó khăn. Bắt đầu từ “hũ gạo tình thương” do Hội CTĐ kêu gọi. Cụ thể, mỗi một ngày, các gia đình bớt đi một nắm gạo trong bữa ăn bỏ vào hũ gạo tình thương, sau một tháng, HCTĐ thu gom lại, rồi chia cho các hộ nghèo thiếu ăn. “ Thật bất ngờ, sau một năm thử nghiệm, chúng tôi đã thu được 10 tấn gạo để phát cho hộ nghèo” - giọng ông Bửu phấn khởi. Bà Nguyễn Thị Hiền, hộ nghèo trong xã tâm sự: Gia đình bà, sống bằng nghề chài lưới, quanh năm trầy chật nuôi 5 miệng ăn trong nhà. Năm nào cũng vậy, cứ đến mùa mưa bão, vợ chồng bà lại lo lắng không biết kiếm gì để ăn, nhiều năm qua, vào lúc khó khăn gia đình đã sống nhờ hũ gạo tình thương của HCTĐ cứu trợ.
Ngoài việc xây dựng hũ gạo tình thương, Hội CTĐ xã đã “phát minh” thêm sáng kiến kêu gọi hội viên nuôi “heo đất” tiết kiệm tại gia đình phòng khi ốm đau, mùa vụ thất bát. Cứ 3 tháng một lần, các gia đình lại tổ chức “thi mổ heo” xem con heo nào nặng nhất thì sẽ được thưởng nhằm thu hút được khá đông số hộ tham gia. Để tạo thêm nguồn quỹ cho Hội, cán bộ chi hội kêu gọi những người quê gốc Tam Thanh, hiện sinh sống, làm việc ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Đắc Lắc... tham gia với tư cách là hội viên tán trợ, tranh thủ các nguồn tài trợ từ các tổ chức từ thiện trong và ngoài nước. Ngoài việc chủ động cứu đói, hàng năm Hội CTĐ còn tổ chức đến các gia đình, thăm hỏi hộ nghèo có người bị ốm đau; trích quỹ mời Bác sĩ về làng khám bệnh và cấp thuốc cho những gia đình nghèo. Bằng nguồn tài trợ của Tổ chức Tình nguyện viên Quốc tế, từ năm 2005 đến nay, 105 em học sinh nghèo, mồ côi và khuyết tật được tặng suất học bổng trị giá 600 nghìn đồng/năm. Riêng 2006, Hội đã cứu trợ cho 726 lượt người hộ nghèo trị giá bằng tiền gần 213 triệu đồng; dành kinh phí mở lớp tiếng Anh; mua máy vi tính, mời thầy về giảng dạy, phụ đạo cho học sinh nghèo, học sinh học lực yếu trong xã. Em Nguyễn Tấn Hào, thôn Hạ Thanh mồ côi cha từ bé, gần 12 năm, em được hội CTĐ tặng học bổng nhờ vậy mà em đã theo học được đến nay (lớp 12), nhờ có sự giúp đỡ của nhân dân em biết được cái chữ, biết cả tiếng Anh và sử dụng vi tính, ước mơ của em là học thật giỏi để trở thành thầy giáo mang cái chữ về giảng dạy cho các em nhỏ làng chài quê mình.
Theo ông Bùi Tấn Bửu, cùng với các tổ chức, Hội CTĐ sẽ tiếp tục phát động, kêu gọi huy động nguồn tài trợ chia sẻ, giúp đỡ các gia đình nghèo trong xã ổn định cuộc sống, quyết tâm giảm tỉ lệ đói nghèo xuống mức thấp nhất.
Bài và ảnh: Nguyễn Thắng |