Thôn 3-Thị trấn Ma Lâm huyện Hàm Thuận Bắc, tỉnh Bình Thuận là thôn người Chăm theo đạo Blamon. Toàn thôn có 425 hộ, 1894 khẩu, trong đó người Chăm chiếm trên 98%. Diện tích sản xuất của thôn chỉ có 153 ha, hàng năm sản xuất gần 1.000 tấn lương thực. Những năm gần đây, Đảng và Nhà nước tập trung đầu tư phát triển dân sinh kinh tế-xã hội cho đồng bào vùng dân tộc thiểu số (DTTS), Thôn 3- Ma Lâm có nhiều chuyển biến và ngày càng khởi sắc. Tuy nhiên ông thôn trưởng Thông Khói cho biết: “Mặc dù đời sống của đồng bào đã khá hơn so với những năm sau giải phóng, nhưng hiện tại mức sống của đồng bào Chăm thôn 3 vẫn chưa khá đều. Tỷ lệ hộ khá giàu đạt 25%, hộ trung bình đạt 55% và hộ nghèo vẫn còn 20%...”.
Nghề dệt thổ cẩm là nghề truyền thống có từ lâu đời của dân tộc Chăm. Nhằm khôi phục lại nghề truyền thống quý báu này theo nguyện vọng của đồng bào thôn 3 Ma Lâm, tháng 1/2007, Trung tâm dạy nghề huyện Hàm Thuận Bắc phối hợp với Chi bộ Đảng-Ban Quản lý thôn 3 đã ra huyện Bắc Bình mời thầy vào dạy nghề cho con em phụ nữ làng Chăm thôn 3. Cả thôn phấn khởi chào đón thầy Lư Văn Xuống ở xã Phan Hoà, huyện Bắc Bình vào dạy trực tiếp cho 30 học viên là phụ nữ làng Chăm Ma Lâm 3. Chị Thông Thị Bẻo Trưởng lớp học cho biết: “Được học nghề dệt thổ cẩm, chị em rất phấn khởi vì mong đợi bấy lâu nay mới có dịp được học nên ai cũng ham học và cố gắng tiếp thu nhanh để hành nghề...”. Tìm hiểu nghề dệt thổ cẩm thật công phu. Trước hết chị em được học lý thuyết theo hệ thống công thức dệt hoa văn thổ cẩm, sau đó thực hành trên khung dệt cải tiến. Để dệt được 1m2 vải hoa văn, người dệt thành thạo thao tác hết 2 giờ. Một ngày, người dệt giỏi dệt được 3,5 đến 4 m2 vải thổ cẩm. Như vậy, chỉ trong một ngày sẽ dệt đủ vải may được vài bộ áo quần cho các em thiếu nhi hay hơn một bộ cho người lớn. Vải thổ cẩm bền chắc, có màu sắc hoa văn rất đẹp đặc trưng cho cách ăn mặc của người Chăm. Đây cũng là bản sắc văn hoá của người Chăm được giữ gìn không bao giờ mất.
Ông thôn trưởng Thông Khói phấn khởi và tự tin cho biết: “Lớp học đầu tiên của thôn có 30 người, cố gắng đào tạo được 10 người giỏi để trở thành thầy dạy tiếp cho các lớp sau. Phấn đấu đến năm 2015, làng Chăm chúng tôi tất cả phụ nữ trong độ tuổi lao động biết nghề dệt thổ cẩm...”.
Vực dậy một làng nghề truyền thống của dân tộc Chăm, đó là nguyện vọng của đồng bào mong đợi bấy lâu nay và cũng là định hướng của huyện Hàm Thuận Bắc, đã và đang khôi phục các làng nghề truyền thống, như nghề bánh tráng, bánh hỏi ở Hàm Nhơn, mộc dân dụng ở Hàm Thắng, dệt thổ cẩm, mây tre đan ở làng Chăm Ma Lâm, Hàm Trí, Hàm Phú, Đông Giang, La Dạ...
Khôi phục các làng nghề truyền thống không những làm ra các sản phẩm đẹp, tốt cho người tiêu dùng tại chỗ, lại tận dụng các nguyên liệu sẵn có của địa phương. Để làm hàng hoá phục vụ cho du khách trong và ngoài nước. Nghề dệt thổ cẩm còn tạo việc làm cho hàng ngàn lao động nông nhàn có thu nhập, nâng cao đời sống và nhanh chóng xoá nghèo ở nông thôn người Chăm.
Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thê |