Thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, từ ngày 27-30/4, đồng chí Hà Hùng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc, thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống, chữa cháy rừng (PCCCR) Trung ương đã làm việc tại hai tỉnh Sơn La và Điện Biên về thực hiện công tác PCCCR. Theo báo cáo của 2 tỉnh, trong mùa khô năm 2007, công tác PCCCR được các ban, ngành chức năng thực hiện nghiêm túc, tích cực. Diện tích vùng trọng điểm có nguy cơ cháy cao được xác định và tổ chức bảo vệ nghiêm ngặt. Tuy nhiên, trên địa bàn còn để xảy ra nhiều vụ cháy rừng, gây thiệt hại lớn. Cụ thể, trong mùa khô 2006-2007, tỉnh Sơn La đã xảy ra 149 vụ cháy rừng, thiệt hại 1.112ha; tỉnh Điện Biên từ đầu năm xảy ra 38 vụ, thiệt hại gần 78ha. Có nhiều nguyên nhân gây cháy rừng như thời tiết hanh khô; phương tiện kỹ thuật chữa cháy, đường băng cản lửa chưa đảm bảo; ý thức trách nhiệm của một số chủ rừng chưa cao; một số nơi các cơ quan chức năng còn buông lỏng quản lý; nhưng nguyên nhân chủ yếu là do đồng bào đốt rừng làm nương, sau đó không kiểm soát được ngọn lửa gây cháy lớn... Hiện tại trên địa bàn 2 tỉnh có khoảng 500.000ha rừng có nguy cơ cháy cao.
Phát biểu tại buổi làm việc với lãnh đạo 2 tỉnh Điện Biên và Sơn La, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng nhấn mạnh tầm quan trọng của rừng và công tác bảo vệ rừng, bởi đây không chỉ là “mái nhà xanh” Tây Bắc mà còn ảnh hưởng đến nguồn sinh thủy cũng như an ninh năng lượng của đất nước. Bảo vệ, ổn định rừng Tây Bắc là bảo vệ và góp phần ổn định sản lượng điện của 2 nhà máy Thủy điện Hòa Bình và Sơn La. Phó Chủ nhiệm Hà Hùng chỉ rõ, số vụ cháy rừng ở Điện Biên và Sơn La còn cao; những nguyên nhân xảy ra cháy rừng ở Điện Biên và Sơn La cần được tìm hiểu rõ và từ đó xác định biện pháp phòng chống có hiệu quả nhất; Năng lực của cán bộ làm công tác bảo vệ rừng cần phải nâng cao; Công tác tuyên truyền về PCCCR đến vùng đồng bào dân tộc thiểu số cần tăng cường, các biện pháp chuyển dịch cơ cấu cây trồng, nâng cao đời sống của đồng bào cần chú trọng, thúc đẩy nhanh hơn nữa; các khu tái định cư phải nghiên cứu, bố trí hợp lý, đảm bảo đất sản xuất; áp dụng, sử dụng hợp lý, hiệu quả các chính sách đối với vùng đồng bào, nhất là các chính sách ưu tiên vay vốn sản xuất; xây dựng đề án tạo môi trường sinh thái, phát triển nguồn lợi thủy sản vùng lòng hồ; định hướng đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số, giải tỏa áp lực cho quỹ đất... Ngoài ra, đối với một số khó khăn, kiến nghị của các ngành chức năng trong công tác PCCCR trên địa bàn, Phó Chủ nhiệm Hà Hùng cũng sẽ đề xuất với Ban Chỉ đạo PCCCR Trung ương nghiên cứu tìm hướng giải quyết.
Tin, ảnh: Trần Thường |