Trong các nhạc cụ của người Mnông thì Rlet-là nhạc cụ hơi được coi trọng nhất. Kèn Rlet được cấu tạo gồm một ống nứa nhỏ đường kính chừng 1,5-1,8cm, dài khoảng 35cm, cắm xuyên qua vỏ một quả bầu khô. Đoạn ống nứa nằm trong thân bầu có một lỗ nhỏ; gắn một lưỡi gà làm bộ phận phát âm; đầu kia của ống nứa được cắm ngang qua một ống nứa lớn có đường kính khoảng 5cm, dài từ 15-20cm, đáy ống có mắt nứa bịt kín, đầu trên vát nhọn... Khi thổi Rlet người ta đổ nước vào ống này để luồng hơi thổi phải qua ống nước mới ra ngoài, khiến âm thanh của Rlet trở nên trong và ấm hơn. ống của Rlet được khoét 3 lỗ, khi thổi kèn, nghệ nhân tuần tự gác lỗ, kèn Rlet sẽ cho 3 âm thanh có âm vực cách xa nhau tạo thành một phối âm phù hợp với ba chiếc chiêng dẹt của người Mnông. Loại nhạc cụ này dùng để thể hiện một số bài hát cổ, thường được các nghệ nhân cao tuổi thổi khi bắt đầu những nghi lễ trọng thể. Đó là các bản nhạc kek rlinh (chim chèo bẻo kêu), mboắt (bắt chước tiếng kèn Mboắt), tarh rling (chim chèo bẻo hót dài)...
Người Mnông tin rằng, đời sống, sức khoẻ, công việc làm ăn của mọi thành viên trong gia đình, dòng họ phụ thuộc vào ba vị thần: đó là thần Lúa, thần Kuắt (Kuắt là một túi dây rừng) và thần Rlet. Đồng bào tin rằng khi thổi Rlet có thể gọi được thần Lúa về, đuổi ma xấu đi. Khi lễ cúng rẫy, người Mnông dựng một cây nêu; trên ngọn nêu treo một chiếc năng (năng là lá Rtih-một loại cây rừng bọc rác khi làm kèn Rlet), một chiếc gùi lúa buộc dây vào cột trâu. Người Mnông cho rằng, khi lên trời mời các vị thần xuống dự lễ cúng rẫy, hồn lúa đi trước, hồn trâu và hồn lá Rtih sẽ đi sau. Bởi vậy mối quan hệ giữa hạt lúa-trâu-lá Rtih-kèn Rlet là mối quan hệ đặc biệt khăng khít. Việc thổi kèn Rlet không được tuỳ tiện mà phải theo một quy định đặc biệt, người ta phải làm một cái sạp cho người thổi Rlet (có thể là đàn ông hoặc đàn bà song phải là người đứng đắn, tốt, được bà con hàng xóm yêu mến, công nhận), ngồi để thổi kèn sát cạnh cột buộc trâu.
Kèn Rlet không thể thiếu trong lễ cúng lớn của người Mnông, có vai trò đặc biệt trong đời sống tinh thần, tâm linh của cộng đồng người M’nông, “là cầu nối” giữa con người và thế giới thần linh./.
Nguyễn Văn Hải |