Đến nay, Bình Thuận có 7/10 huyện, thị được Chính phủ công nhận là huyện miền núi vùng cao, vùng dân tộc thiểu số (DTTS), trong đó, có 30 xã đặc biệt khó khăn thuộc CT 135. Với mục tiêu phấn đấu “Đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ, không trông chờ ỷ lại Trung ương...” Tỉnh ủy Bình Thuận đã ra nghị quyết tập trung phát triển toàn diện dân sinh kinh tế-xã hội vùng DTTS, trong đó chú trọng công tác cán bộ dân tộc tại chỗ, không bị động phụ thuộc vào việc điều động cán bộ từ các xã vùng đồng bằng, thị trấn về công tác. Thực hiện chính sách cử tuyển con em đồng bào DTTS đi học các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp, trường Chính trị... 4 năm gần đây, Bình Thuận đã cử tuyển 65 em đi học các trường cao đẳng, trung học chuyên nghiệp. Khi tốt nghiệp các em được địa phương bố trí sắp xếp vào đội ngũ lãnh đạo chủ chốt của xã. Cả tỉnh hiện có 225 em vào học dự bị đại học, đã thành lập được 4 trường phổ thông dân tộc nội trú với 1.598 học sinh và 483 giáo viên là người DTTS; chiêu sinh 190 học sinh đào tạo cán bộ nguồn, đã có 96 học viên ra trường và được bố trí tại các xã. Tỉnh đã chọn và cử 68 cán bộ công chức, cán bộ không chuyên thuộc 15 xã đồng bào DTTS đi học các lớp trung cấp Luật Hành chính, Địa chính, Văn hóa quần chúng, Nghiệp vụ Văn phòng, Chỉ huy trưởng quân sự... Trường chính trị tỉnh Bình Thuận cũng đã mở nhiều lớp đào tạo hệ Trung cấp chính trị cho 278 cán bộ đương chức và học sinh trong diện tạo nguồn kế cận ở vùng DTTS.
Từ sự quan tâm chăm lo đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người DTTS, đến nay, Bình Thuận có 15 xã vùng đồng bào DTTS đã bố trí được 480/513 cán bộ DTTS ở thôn, xã chiếm 93%. Về chất lượng, số điểm đạt chuẩn về văn hóa, chính trị có 32 người, số chưa đủ tiêu chuẩn cả 2 mặt là 353 người nhưng trong diện này tuổi đời còn rất trẻ sẽ đào tạo các lớp chuyên môn, chính trị, văn hóa để trở thành nguồn cán bộ “vừa hồng vừa chuyên”. Đặc biệt, Bình Thuận ngày càng quan tâm tuyển chọn và đào tạo nhiều hơn đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ. Đây cũng là 1 chủ trương đúng đắn trong việc bình đẳng giới và cần ưu tiên phát triển nguồn cán bộ nữ. Từ nguồn cán bộ được đào tạo trong những năm qua, Bình Thuận đã bố trí những cán bộ có đủ đức, tài vào cương vị lãnh đạo chủ chốt: bí thư, chủ tịch HĐND, UBND... Không những phát huy được vai trò trách nhiệm trước đời sống của đồng bào DTTS mà còn là những người hiểu biết sâu sắc phong tục tập quán của dân tộc mình. Bình Thuận cũng là tỉnh có nhiều DTTS khác nhau như: Chăm, Cơ-ho, Raglai, Tày, Nùng... Mỗi dân tộc có những nét văn hóa riêng. Vì vậy, lãnh đạo cấp ủy, chính quyền xã phải là người dân tộc của địa phương đó. Có như vậy, mới phát huy hết năng lực lãnh đạo, điều hành phát triển kinh tế-xã hội. Trong những năm tiếp theo, Bình Thuận sẽ đào tạo nguồn cán bộ tại chỗ là người DTTS, tăng về số lượng, nâng cao chất lượng để đủ sức lãnh đạo trong tình hình mới.
Bài và ảnh: Đỗ Khắc Thể |