Vào thăm bản văn hoá cấp tỉnh Sơn Hà, xã Tà Cả (Kỳ Sơn- Nghệ An), tôi tình cờ gặp em Mùa Bá Giờ (dân tộc Mông, sinh viên Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) đang tranh thủ ngày nghỉ lễ về thăm nhà. Trong căn nhà gỗ đơn sơ, trên bức tường phía trái góc học tập của em, hàng chục tờ giấy khen về thành tích học tập từ những năm em học tiểu học đến trung học phổ thông làm cho căn nhà như sáng hẳn lên. Rót bát nước lá rừng mời tôi, Giờ rủ rỉ tâm sự: “Gia đình em có 9 anh chị em, nhưng các anh chị đều có gia đình riêng cả rồi. Bố mẹ em tuổi cao, sức khoẻ đã kém nhưng vẫn phải làm nông nghiệp để nuôi em ăn học nên rất vất vả. Em chỉ mong sao sớm ra trường, trở về góp sức xây dựng quê hương phát triển, vừa có điều kiện phụng dưỡng bố mẹ...”. Cách đây 1 năm, khi Giờ nhận được giấy báo trúng tuyển của Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam, niềm hân hoan chưa kịp bừng lên trong ánh mắt thì trong đầu em đã luẩn quẩn ý nghĩ “gia đình mình khó khăn thế này, lấy đâu ra tiền để ăn học tại đất Thủ đô?... ”. Thế rồi Giờ đến gặp anh trai cả là Mùa Nhia Vừ (Chủ tịch xã Tà Cả) nhờ anh tư vấn, tìm “nguồn” giúp em thực hiện ước mong theo nghiệp sách đèn. Được anh cả đứng ra tín chấp vay cho 10 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Kỳ Sơn, Giờ đã dành 5 triệu đồng để giúp bố mẹ trả nợ khoản tiền đã vay họ hàng trong đợt em thi cử và trang trải cho kỳ học đầu tiên; 5 triệu đồng còn lại em mua một đôi bò nhờ bố mẹ nuôi giúp. Bước vào kỳ học thứ hai, Giờ bán chú bò đực được 4,5 triệu đồng để lên trường. Mới đây, hai mẹ con bò cái chẳng may bị dịch tụ huyết trùng lần lượt chết cả khiến Giờ “trắng vốn”. Khó khăn lại chồng chất thêm lên cuộc sống xa nhà, trọ học của em, song Giờ quả quyết: “Em sẽ tìm việc làm thêm vào buổi tối để giảm bớt gánh nặng cho bố mẹ. Đã quyết tâm đi học thì dù có khó khăn, vất vả đến mấy, em cũng chấp nhận, khắc phục để đạt được mục tiêu của mình”.
Ở bản Sơn Hà, tôi còn được gặp gỡ, tiếp xúc với nhiều em học sinh, sinh viên mang họ Mùa, họ Vừ, họ Hạ (dân tộc Mông) học giỏi. Điển hình như em Mùa Y Dở (hiện là nữ sinh lớp 10, Trường PTTH Nội trú tỉnh Nghệ An): trong suốt những năm học Tiểu học và THCS tại Mường Xén (Kỳ Sơn), em luôn dẫn đầu lớp, khối về thành tích học tập cũng như các hoạt động, phong trào bề nổi của trường. Y Dở từng đạt học sinh giỏi toàn diện cấp trường ở bậc tiểu học; học sinh giỏi cấp tỉnh ở bậc THCS; là đại biểu cháu ngoan Bác Hồ cấp quốc gia...Em vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An tặng Bằng khen về thành tích xuất sắc trong học tập, rèn luyện trở thành con ngoan, trò giỏi, cháu ngoan Bác Hồ trong 5 năm (2001-2005). Không chỉ học giỏi, Mùa Y Dở còn có năng khiếu đặc biệt về văn nghệ và diễn thuyết trước tập thể. Những khoá học từ 2002- 2005, Trường THCS Mường Xén luôn gặt hái được nhiều giải cao trong các hội thi, hội diễn văn nghệ cấp cụm trường, cấp khu vực nhờ “giọng ca vàng” của em. Y Dở bộc bạch: “Em may mắn được sinh ra và lớn lên trong một môi trường gia đình, cộng đồng làng bản có truyền thống gia phong, nền nếp, hiếu học. Bố em hiện là Phó Chủ tịch Hội đồng nhân dân huyện. Mẹ không làm cán bộ nhưng đã dành cả cuộc đời tần tảo lao động, sản xuất, giúp bố chăm sóc, nuôi dạy 5 anh chị em ăn học nên người”. Trong gia đình Y Dở, anh trai cả hiện là cán bộ Công an tỉnh Nghệ An; anh thứ hai đang công tác tại Đài Phát thanh Truyền hình huyện Kỳ Sơn; chị thứ ba đang học Trường Cao đẳng sư phạm Nghệ An và chị thứ tư đang học THPT ở trường huyện.
Nói về “sự học” thành đạt của bản Sơn Hà, ông Vừ Rả Mùa- Trưởng bản cho biết: “Bản mình có 52 hộ gia đình dân tộc Mông, quy tụ 5 dòng họ là Mùa, Lầu, Xồng, Vừ, Hạ... trong đó, dòng họ Mùa chiếm tỷ lệ đông nhất... Lớp trung niên, cao tuổi thuộc dòng họ Mùa có nhiều người là cán bộ chủ chốt ở địa phương như bác Mùa Nọ Tu giữ chức Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn từ 1995-2005; Mùa Nọ Xử, Phó Chủ tịch HĐND huyện; Mùa Nọ Nênh, Chánh Thanh tra huyện; Mùa Bá Hùa, Đội Thi hành án huyện... Ngoài ra, các dòng họ Vừ, họ Hạ ở đây cũng đều có người tài như bác Vừ Chung Pao hiện là Phó Chủ tịch Uỷ ban Mặt trận tổ quốc tỉnh Nghệ An; anh Hạ Bá Rê công tác tại Ban tổ chức Huyện uỷ Kỳ Sơn....”. Ông Mùa Nọ Tu (Nguyên là Chủ tịch UBND huyện Kỳ Sơn) phấn khởi nói: “Tre già thì măng lại mọc. Sơn Hà sẽ là mảnh đất lý tưởng để ươm lên những mầm măng tươi tốt, đầy triển vọng giúp ích cho quê hương”.
Bài và ảnh: Cao Nguyên |