Dân tộc Pu Péo có gần 400 người, sinh sống tập trung ở vùng biên giới Việt-Trung thuộc các huyện Đồng Văn, Yên Minh, Mèo Vạc tỉnh Hà Giang. Người Pu Péo còn có tên gọi khác là Ka Beo, Pen ti Lô Lô. Tiếng Pu Péo gần với tiếng của dân tộc Cờ Lao, La Chí, La Ha, và thuộc nhóm ngôn ngữ Kađai.
Người Pu Péo chủ yếu sống bằng nghề làm nương và ruộng bậc thang, trồng ngô, lúa, mạch ba góc, đậu... Trong sản xuất, đồng bào dùng công cụ cày bừa; dùng trâu, bò làm sức kéo. Lương thực chính trong bữa ăn hàng ngày là bột ngô đồ chín.
Trang phục của người phụ nữ Pu Péo ngày nay còn giữ được sắc thái dân tộc thể hiện qua kiểu đầu tóc, khăn, váy, áo, tạp dề; dùng kỹ thuật can đáp vải khác nhau để tạo nên hoa văn sặc sỡ. Còn nam giới ăn vận như các dân tộc khác trong vùng.
 |
 |
Thiếu nữ Pu péo |
Người Pu péo ở Hà Giang |
Đồng bào Pu Péo ở nhà trệt sống tập trung thành từng nhóm nhỏ bên cạnh người Hoa, Mông. Mỗi dòng họ có hệ thống tên đệm riêng dùng đặt tên lần lượt cho các thế hệ kế tiếp nhau. Trai gái các họ kết hôn với nhau theo tập tục: Nếu con trai họ này đã lấy con gái họ kia thì mãi mãi con trai họ kia không được lấy vợ người họ này. Nhiều người dân tộc khác cũng đã trở thành dâu, rể các gia đình Pu Péo. Nhà trai cưới vợ cho con, sau lễ cưới con gái về nhà chồng. Con cái lấy theo họ cha và người cha, người chồng là chủ nhà.
Nghi thức tang lễ người Pu Péo gồm lễ làm ma và lễ chay. Người Pu Péo coi trọng thờ cúng tổ tiên. Trên bàn thờ thường đặt các hủ sành nhỏ, mỗi hũ tượng trưng cho một đời. Hàng năm, người Pu Péo có nhiều ngày lễ, tết: lễ cầu an, tết Nguyên đán (nửa đầu tháng giêng âm lịch) tết mùng 5 tháng 5...
Pu Péo là một trong số ít dân tộc hiện nay còn sử dụng trống đồng. Trước kia, trống được dùng phổ biến nhưng ngày nay trống chỉ dùng trong các dịp lễ chay. Theo phong tục Pu Péo, có trống "đực" và trống "cái" được ghép với nhau thành từng đôi. Hai trống treo quay mặt vào nhau, một người đứng giữa cầm củ chuối gõ trống phục vụ lễ cúng.
Là một dân tộc tuy dân số ít, nhưng người Pu Péo đã và đang chung lòng chung sức cùng các dân tộc anh em xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ gìn biên cương đất nước.

|

|
Lấy nước đầu năm mới Một phong tục của người Pu péo |
Viếng mộ |
|