Dân tộc Pà Thẻn có khoảng 3.700 người. Đồng bào cư trú tập trung ở một số xã của tỉnh Hà Giang và tỉnh Tuyên Quang. Người Pà Thẻn còn có tên gọi khác là Pà Hưng. Tiếng Pà Thẻn thuộc hệ ngôn ngữ Mông-Dao.
Người Pà Thẻn sống chủ yếu bằng nghề làm nương rẫy. Lúa, ngô là cây lương thực chính. Các bản của người Pà Thẻn thường tập trung ven suối, thung lũng hoặc triền núi thấp, có làng đông tới 30-40 nóc nhà. Nhà ở của người Pà Thẻn phỏ biến là loại nhà trệt với bộ khung bằng gỗ khá chắc chắn.
Trang phục của người Pà Thẻn nổi bật màu đỏ rực rỡ. Nam giới mặc áo cánh, quần dài lá toạ màu chàm, quấn khăn dài. Bộ nữ phục có váy dài, áo, yếm, khăn đội đầu, với nhiều hoa văn trang trí, màu sắc hài hoà, nhưng màu đỏ được dùng nhiều nhất. Phụ nữ thích đeo vòng trang sức bằng bạc.
Dân tộc Pà Thẻn có nhiều dòng họ. Những người cùng họ coi nhau như những người thân thích có chung một tổ tiên, không được lấy nhau. Người Pà Thẻn có tục ở rể tạm thời, nếu gia đình không có con trai mới lấy rể về ở hẳn. Người ở rể phải thờ ma họ vợ, con cái một nửa theo họ bố, một nửa theo họ mẹ.
Người Pà Thẻn thờ tổ tiên trong nhà. Đồng bào còn có một số tín ngưỡng gắn liền với nông nghiệp như: thờ thổ thần, cúng cơm mới, cúng cầu mưa, đặc biệt họ còn có lễ cúng hồn súng...
Sinh hoạt văn hoá dân gian của dân tộc Pà Thẻn khá phong phú, thể hiện qua kho tàng truyện cổ tích, các làn điệu dân ca, hát ru, các điệu nhảy múa, các loại nhạc cụ (khèn bè, đàn tầy nhậy, sáo trúc...).

|

|
Tiếng sáo gọi bạn |
Một kiểu khung dệt của người Pà thẻn |