Theo kết quả khảo sát gần đây nhất do Hội đồng dân tộc của Quốc hội tiến hành thì dân tộc Ơ-đu hiện có 194 người, cư trú tập trung ở hai bản Kim Hoà, Xốp Bột (xã Kim Đa) và một số cư trú lẻ tẻ ở các bản các xã kế cận, thuộc huyện Tương Đương tỉnh Nghệ An. Người Ơ-đu còn gọi là Tày Hạt. Tiếng Ơ-đu thuộc nhóm ngôn ngữ Môn-Khmer, nhưng hiện nay không còn được sử dụng nữa.

|
Trang phục người Ơ-đu hiện nay |
NgườiƠ-đu sống bằng nương rẫy, lúa là nguồn lương thực chính, ngô, sắn, kê là nguồn lương thực phụ. Hái lượm và săn bắn vẫn quan trọng trong đời sống kinh tế của họ. Đồng bào nuôi bò với sổ lượng không đáng kể nhằm lấy sức kéo. Gà, lợn nuôi thường để sử dụng vào hình thức nghi lễ, cúng bái và cải thiện bữa ăn, nhất là dịp có khách.
Nghề phụ gia đình hầu như chỉ có đan lát đồ gia dụng, gần đây đã có một số gia đình có khung dệt vải. Xưa kia, người Ơ-đu không có tên họ, nay lấy tên họ giống như người Lào hoặc Thái.
Người Ơ-đu sống trong gia đình nhỏ, trong hôn nhân có tục ở rể, sau một thời gian chàng rể mới đưa vợ con về nhà mình. Đồng bào có lịch tính năm riêng, tiếng sấm đầu xuân cũng là thời điểm bắt đầu năm mới. Đồng bào Ơ-đu quan niệm người có hồn, khi chết, hồn biến thành ma, ma nhà chi phối mọi hoạt động của người sống trong nhà.
Hiện nay, đồng bào Ơ-đu chỉ còn giữ được ý thức tự giác về tộc người còn ngôn ngữ thì hầu như đã mất (chỉ còn một vài người biết tiếng mẹ đẻ). Đồng bào sử dụng thông thạo tiếng Thái và tiếng Khơ-mú. Bản sắc văn hoá của người Ơ-đu mờ nhạt vì chịu ảnh hưởng của người Thái và người Khơ-mú. Trong lần tổng điều tra dân số toàn quốc năm 1989, nhiều người Ơ-đu lại tự khai là người Thái hay người Khơ-mú.
 Cảnh sinh hoạt gia đình
|
 Bộ khung dệt lâu đời nhất của người Ơ đu còn giữ được
| |