Gần 35 năm sau ngày giải phóng miền Nam, chúng tôi có dịp về thăm xã Phước Trung, huyện Bác Ái (Ninh Thuận) - mảnh đất nổi tiếng một thời với những chiến tích hào hùng thời kháng chiến chống đế quốc Mỹ và những ký ức không thể phai nhạt trong lòng đồng bào Răglai. Chỉ tay lên đỉnh núi Rã (Chớ Bothorata) cao 1.072 mét, Anh hùng Chamaléa Châu vừa cười vừa nói: Cách đây hơn 40 năm, anh em dân quân xã Phước Trung bắn rụng máy bay Mỹ trên sườn núi đó. Con “đầm già” lè vè bay lượn, đuôi phụt khói trắng trời. Tựa lưng vào gốc cây ngo, tui nhanh tay bắn liền hai phát đạn đã thấy nó đảo vòng như thằng say rượu rồi đâm đầu vào vách núi tan xác. Hồi đó, cả xã chỉ có hai cây súng trường cổ lỗ bắn từng phát một do Mỹ chế tạo.
Tiếp lời ông bạn già, Anh hùng Pinăng Thạnh say sưa: Bản làng chỉ cách sân bay Thành Sơn 5 cây số đường chim bay thôi. Bên này là sân bay quân sự lớn nhất miền Nam của Mỹ. Sau khi xây dựng hoàn tất sân bay, tụi nó muốn lên chiếm Phước Trung làm bàn đạp hòng chiếm toàn bộ núi rừng Bác Ái. Cái bụng người Răglai đã ăn lời Đảng, tin yêu Bác Hồ nên quyết tâm bám làng đánh địch tới cùng.
Sau khi đất nước yên bình, anh hùng Pinăng Thạnh trở về bản làng chăm lo sản xuất, trở thành nông dân làm ăn giỏi của địa phương. Ông nuôi bò, nuôi dê, trồng bắp, trồng lúa đạt năng suất cao, nêu gương điển hình trên mặt trận xoá đói giảm nghèo cho bà con bản làng học tập.
Hôm về Phước Trung, chúng tôi gặp anh hùng Pinăng Thạnh đến trụ sở xã làm hồ sơ cho cậu con trai út Chamaléa Choang thi tốt nghiệp THCS. Vẫn trong màu áo bộ đội bạc màu, ông phấn khởi nói: Vừa rồi, mình tiễn cậu con trai kề út là Chamaléa Nóng lên đường nhập ngũ. Thằng Nóng tốt nghiệp tú tài rồi, mừng lắm! Mình có nguyện vọng cho nó tiếp bước truyền thống cha anh đi học sỹ quan để phục vụ lâu dài trong quân đội. Hồi đánh Pháp và hồi chống Mỹ, bà con dân tộc Răglai ở xã Phước Trung gần như mù chữ. Anh em đi làm cách mạng cũng chỉ học “bình dân” để biết đọc, biết viết. Năm 1972, mình may mắn được Đảng cho ra Bắc học hết cấp II Bổ túc văn hoá. Bây giờ trong xã đã có gần 20 cháu có học vấn tú tài. Mình động viên cháu Choang cố gắng phấn đấu học lên đại học sau trở về phục vụ quê hương. Mình có 7 con bò sinh sản đủ để nuôi nó vào đại học.
Còn anh hùng Chamaléa Châu trở về làng làm một nông dân thực thụ. Hằng ngày ông vẫn lên nương trồng lúa, trồng ngô. Bên cạnh đó, ông còn gom góp, vay mượn mua đàn bò về chăn thả trên núi Rã. Tuy cuộc sống không dư dả gì, song ông vẫn rất hạnh phúc vì Nhà nước chưa bao giờ quên công lao của ông.
Bí thư xã Phước Trung - ông Kator Vang cho chúng tôi biết: Hơn ba mươi năm sau ngày giải phóng quê hương, đời sống vật chất và tinh thần của người dân Phước Trung phát triển hơn trước rất nhiều. Phần đông bà con đã xây dựng nhà ngói, toàn xã có trên 2.000 con gia súc, trung bình mỗi hộ có từ 4-5 con bò, trị giá vài ba chục triệu đồng. Học tập kinh nghiệm làm ăn và chăn nuôi của anh hùng Pinăng Thạnh, gia đình Chamaléa Thị Ngôn và hộ Sằng Quang Dưỡng đã có đàn gia súc trên 100 con, đủ sức thành lập trang trại chăn nuôi. Nhiều gia đình Răglai xã Phước Trung đã sắm được tivi, xe máy. Từ một vùng dân cư mù chữ đến nay cả xã có 2 trường tiểu học và một trường THCS, trên 90% trẻ em trong độ tuổi được đi học.
Chia tay anh hùng Chamaléa Châu, Pinăng Thạnh, chia tay đồng bào Răglai của xã vùng cao Phước Trung anh hùng, bên tai chúng tôi chợt vang lên câu hát: “Dòng tên anh khắc vào đá núi...” Và chúng tôi tin, chiến công của những anh hùng Lực lượng Vũ trang sẽ là tấm gương để đồng bào Phước Trung kiên trì bám đất, vươn lên làm giàu như đã từng kiên trì bám trụ bản làng đánh thắng giặc Mỹ trên chiến trường Ninh Thuận năm xưa.
Lan Ngọc |