Thực hiện Nghị định mới (nhiệm kỳ 2011-2016) của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Uỷ ban Dân tộc (UBDT) sẽ đặt ra yêu cầu bổ sung, sắp xếp cán bộ và tổ chức bộ máy; hơn nữa, trong điều kiện khó khăn nhiều hơn thuận lợi thì chắc chắn không thể tránh khỏi những băn khoăn, trăn trở trong cán bộ, công chức. I. Nội dung cơ bản
Vì vậy, đổi mới công tác tổ chức cán bộ được Ban Cán sự Đảng UBDT xác định là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của năm 2012, là đòi hỏi tất yếu khách quan nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ làm công tác dân tộc vừa hồng, vừa chuyên, có tâm, có tầm đáp ứng yêu cầu của thời kỳ mới.
Nhiệm vụ này càng quan trọng hơn khi gắn với thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI) về “Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay” đang được UBDT nghiêm túc triển khai. Nghị quyết đã nhấn mạnh 3 nội dung cơ bản: (1) Ngăn chặn, đẩy lùi tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trước hết là cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp. (2) Xây dựng đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp Trung ương, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế. (3) Xác định rõ thẩm quyền, trách nhiệm người đứng đầu cấp ủy, chính quyền, trong mối quan hệ với tập thể cấp ủy, cơ quan, đơn vị; tiếp tục đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng.
Ba vấn đề trên rất quan trọng và liên quan mật thiết với nhau, trong đó vấn đề (1) là trọng tâm, xuyên suốt và cấp bách nhất. Những việc cần làm ngay là: Cán bộ, đảng viên trong toàn ngành gương mẫu tự kiểm điểm và điều chỉnh mình; cái gì tốt thì phát huy, cái gì xấu thì tự sửa mình; cảnh giác với cám dỗ về danh lợi, vật chất, tránh sa vào vũng bùn của chủ nghĩa cá nhân. Việc kiểm điểm, tự phê bình và phê bình theo Nghị quyết Trung ương 4 gắn với thực hiện 19 điều đảng viên không được làm và giải quyết kịp thời những vấn đề bức xúc, nổi cộm ở mỗi đơn vị. Yêu cầu phải nhìn thẳng vào sự thật, đánh giá khách quan, xác định rõ nguyên nhân, nhất là nguyên nhân yếu kém, khuyết điểm để từ đó từng chi bộ, đơn vị và cán bộ, đảng viên đề ra các giải pháp cụ thể khắc phục, sửa chữa. Qua đó hiểu rõ cán bộ và có căn cứ đánh giá, sàng lọc và quy hoạch, bố trí cán bộ. II. Nhiệm vụ thực hiện
Để đổi mới và nâng cao chất lượng công tác tổ chức cán bộ ngang tầm với yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới, toàn ngành công tác dân tộc cần tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ sau đây:
Một là, nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức toàn ngành công tác dân tộc, nhất là người đứng đầu cấp uỷ, các vụ, đơn vị về vị trí, vai trò quan trọng của công tác tổ chức cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ; về công tác cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS; về công tác dân tộc và thực hiện chính sách dân tộc trong thời kỳ mới. Đẩy mạnh công tác xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, bảo đảm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ cả trước mắt và lâu dài. Tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến đường lối, chính sách dân tộc của Đảng và Nhà nước. Gắn đổi mới công tác tổ chức cán bộ, đảng viên với việc thực hiện kiểm điểm, phê bình và tự phê bình trong từng cán bộ, đảng viên theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khoá XI); nâng cao tính tự giác rèn luyện, tu dưỡng đạo đức và lối sống, tinh thần đoàn kết, phát huy năng lực, trình độ cán bộ, bảo đảm tham mưu và thực hiện chính sách dân tộc, hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao.
Hai là, đổi mới phương pháp tổ chức và tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của Ban Cán sự, cấp uỷ đảng đối với công tác cán bộ, bảo đảm nguyên tắc tập trung dân chủ; phát huy vai trò, trách nhiệm của các tổ chức đoàn thể. Chú trọng công tác đánh giá, quy hoạch và bồi dưỡng nâng cao năng lực công tác đi liền với việc sử dụng cán bộ công tác dân tộc. Cụ thể là:
- Quy trình đánh giá cán bộ trong ngành công tác dân tộc, bảo đảm công khai, minh bạch, trung thực, dân chủ, khách quan, toàn diện; lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo; chống các biểu hiện tiêu cực trong đánh giá cán bộ. Thực tế cho thấy, đánh giá cán bộ là khâu quan trọng hàng đầu, có ý nghĩa quyết định; đây là việc làm khó, rất nhạy cảm vì có ảnh hưởng đến tất cả các khâu của công tác cán bộ. Đánh giá cán bộ đúng sẽ giúp họ nâng cao phẩm chất chính trị, đạo đức và tạo điều kiện cho họ phát huy năng lực, sở trường trong công việc. Nếu đánh giá cán bộ sai thì không những bố trí, sử dụng không đúng mà quan trọng hơn còn làm mai một dần động lực phát triển, thui chột tài năng, chân lý bị lu mờ “vàng thau lẫn lộn”, giảm sút niềm tin và ảnh hưởng không nhỏ đến nhiệm vụ chính trị của cơ quan, đơn vị.
- Nâng cao chất lượng quy hoạch, tạo nguồn cán bộ. Xem xét, lựa chọn đưa vào quy hoạch cán bộ tốt, có triển vọng phát triển về năng lực lãnh đạo, quản lý, trong đó có cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người DTTS. Định kỳ rà soát, bổ sung quy hoạch và đưa ra khỏi quy hoạch cán bộ không đáp ứng được yêu cầu, điều kiện.
- Chú trọng chất lượng tuyển dụng cán bộ, công chức vào cơ quan công tác dân tộc; phấn đấu từng bước bảo đảm tỷ lệ cán bộ người DTTS, tiến tới cơ cấu cán bộ toàn ngành có đủ đại diện người các DTTS.
Ba là, nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công tác dân tộc; chú trọng nâng cao trình độ, nghiệp vụ và năng lực thực tiễn. Xây dựng đội ngũ cán bộ công tác dân tộc trong sạch, đủ mạnh, thích ứng yêu cầu thực tiễn đang diễn ra ở vùng dân tộc và miền núi. Yêu cầu bắt buộc để chính sách dân tộc đi vào cuộc sống là phải xuất phát từ thực tiễn ở cơ sở. Muốn vậy, cán bộ ngành công tác dân tộc không thể ngồi nhà mà “vẽ” ra chính sách; phải lăn lộn, gắn bó và trưởng thành từ thực tiễn, nắm bắt và tổng kết đòi hỏi từ cuộc sống đồng bào vùng dân tộc và miền núi thành ý tưởng chính sách đề xuất với cấp có thẩm quyền. Tuyệt đối tránh tư duy nhiệm kỳ trong xây dựng và thực hiện chính sách.
Nhiệm kỳ này, UBDT sẽ tập trung làm tốt công tác đào tạo, đào tạo lại; công tác quy hoạch, bồi dưỡng cán bộ lãnh đạo, quản lý; công tác luân chuyển, bố trí cán bộ có năng lực, kinh nghiệm, tâm huyết với công tác dân tộc vào các vị trí lãnh đạo của các vụ, đơn vị theo nguyên tắc giao đúng người, đúng việc, đồng thời tạo điều kiện để cán bộ có năng lực, trong quy hoạch tham gia công tác lãnh đạo, quản lý.
Bốn là, quan tâm thực hiện chính sách cán bộ, bảo đảm môi trường và điều kiện làm việc thuận lợi để cán bộ, công chức an tâm công tác, tận tâm với công việc. Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách để đội ngũ cán bộ trẻ, cán bộ nữ là người DTTS có điều kiện phát triển; đồng thời mỗi cán bộ trẻ, cán bộ nữ phải tự giác phấn đấu, khẳng định năng lực và uy tín của mình. Khen thưởng, động viên kịp thời và có biện pháp xử phạt nghiêm minh. Thường xuyên nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, chia sẻ khó khăn và đặt niềm tin vào cán bộ, công chức để họ cống hiến hết mình cho công tác dân tộc.
Năm là, tiếp tục đổi mới, tạo sự chuyển biến cả trong tư duy và nội dung, hình thức tiến hành công tác cán bộ. Kiện toàn cơ quan làm công tác tổ chức cán bộ và nâng cao chất lượng đội ngũ làm công tác tổ chức cán bộ vừa có tâm, vừa đủ tầm. Chú trọng công tác kiểm tra, giám sát của cấp uỷ đảng và đảng viên; xử lý nghiêm các vi phạm về nguyên tắc, quy định, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước.
Cùng với giải pháp đổi mới công tác tổ chức cán bộ, trong chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm toàn khoá, Ban Cán sự Đảng và lãnh đạo Uỷ ban sẽ đề cao phân cấp, tăng cường đoàn kết và tạo điều kiện để mỗi tập thể, cá nhân phát huy tính năng động, sáng tạo, cùng góp sức vào việc thực hiện thắng lợi công tác dân tộc trong nhiệm kỳ mới, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xoá đói giảm nghèo, cổ vũ và phát huy tình đoàn kết giữa các dân tộc, hướng tới mục tiêu xây dựng vùng dân tộc và miền núi nước ta ngày càng đổi mới, phát triển.
Giàng Seo Phử Ủy viên Trung ương Đảng Bí thư Ban Cán sự Đảng Bộ trưởng, Chủ nhiệm Uỷ ban Dân tộc |