Hiện nay, các cấp Hội Phụ nữ Bình Thuận đang quản lý nguồn vốn hơn 700 tỉ đồng, giúp gần 70 nghìn phụ nữ nghèo và cận nghèo vay vốn phát triển kinh tế. Mỗi năm, huy động nguồn lực từ chị em phụ nữ hơn 30 tỉ đồng giúp nhau xóa đói, giảm nghèo không lấy lãi. 5 năm trở lại đây, từ phong trào "Phụ nữ giúp nhau phát triển kinh tế gia đình", "xóa đói, giảm nghèo", hơn 14 nghìn phụ nữ nghèo làm chủ hộ được vay vốn, hơn một nửa trong số đó đã thoát nghèo, chất lượng cuộc sống gia đình được cải thiện.
Bình Thuận hiện có gần 2.400 tổ phụ nữ giúp nhau vay vốn không lấy lãi với gần 47 nghìn hội viên, 99 tổ "vần đổi công theo mùa", 130 tổ giúp nhau sản xuất, chăn nuôi, tạo việc làm, hàng nghìn tổ "giúp nhau mua sắm vật dụng gia đình". Hoạt động này tạo điều kiện thuận lợi cho các các chị em phụ nữ giao lưu, liên kết sản xuất kinh doanh và giúp đỡ, tạo công ăn việc làm cho các thành viên khó khăn.
PV
Yên Bái: Củ đao riềng cho hiệu quả kinh tế cao
Hiện nay tại các huyện Trấn Yên, Văn Yên đang vào vụ mùa thu hoạch củ đao riềng. Giá bán ở thời điểm giữa vụ đang là 1.300 đồng/kg. Như vậy, mỗi sào đao riềng sau khoảng 9 tháng cho nhà nông khoản thu gần 6 triệu đồng. Giá trị kinh tế 1 sào đao riềng cao gấp đôi so với trồng lúa và gấp 3 lần so với trồng ngô.
Lê San
Huyện Như Xuân (Thanh Hóa) 100 hộ nghèo được tặng bò
Thực hiện Nghị quyết 30a của Chính phủ về việc giảm nghèo nhanh và bền vững đối với các huyện nghèo, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam đã trao tặng 100 con bò sinh sản từ “Dự án ngân hàng bò” (mỗi con trị giá 7 triệu đồng) cho 100 hộ nghèo của huyện Như Xuân.
Cùng với việc trao tặng bò, Hội Chữ thập đỏ Việt Nam còn tổ chức tập huấn, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật cho đội ngũ tình nguyện viên các huyện, xã hưởng lợi để trực tiếp hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi an toàn cho các hộ được nhận bò.
Theo dự án, mỗi con bò sinh sản nuôi tại các hộ được hưởng lợi, khi sinh sản lứa đầu là bê cái thì sẽ chuyển tặng con bê cái này cho hộ nghèo khác sau khi nuôi được 6 tháng tuổi. Nếu là bê đực, sẽ đem bán, số tiền này được sử dụng để mua bê cái trao cho các hộ nghèo khác.
Trong trường hợp bò giống bị chết không phải do dịch bệnh, hoặc không sinh sản được, người chăn nuôi được đem bán, 50% số tiền bán bò nộp vào quỹ quản lý bò, 50% còn lại hộ chăn nuôi giữ lại dùng mua gia súc khác chăn nuôi.
N. Huyền |