Không như bạn bè cùng trang lứa, học hết cấp 3 Phạm Văn Cường, dân tộc Mường, thôn Án Đỗ, xã Cẩm Châu, huyện Cẩm Thủy (Thanh Hóa) không thi đại học mà chọn cho mình con đường là tìm tòi học hỏi cách thức để phát triển mô hình kinh tế trang trại hiệu quả. Cường đã khăn gói đi hết các huyện trong tỉnh, ngoài tỉnh; tìm hiểu qua sách báo, ti vi, nghe đài, thăm quan cách thức làm ăn có hiệu quả từ các mô hình chăn nuôi, trồng trọt để rút kinh nghiệm, sau đó áp dụng vào thực tế. Sau 3 năm học nghề anh về quê vay vốn áp dụng mô hinh V.A.C làm trang trại nuôi lợn, kết hợp nuôi ếch. Tuy nhiên, ngay lần đầu Cường đã gặp rủi ro, đàn lợn 30 con gần đến ngày xuất chuồng thì bị dịch bệnh tai xanh. Đàn ếch nuôi không đúng kỹ thuật chậm lớn, không mang lại hiệu quả.
Thất bại nhưng Cường không từ bỏ ý định, nghe nói có mô hình nuôi giun quế ở Hà Tĩnh đang phát triển tốt, Cường lại khăn gói vào Hà Tĩnh học hỏi kinh nghiệm.
Đầu năm 2008, Phạm Văn Cường lại bắt tay cải tạo lại ao, vườn, trang trại, đầu tư gần 100 triệu đồng để nuôi giun quế và dế mèn giống. Sau hơn 2 năm, nghề nuôi giun quế và dế mèn giống đã cho thu nhập 12 triệu đồng/tháng.
Với diện tích 5ha đất đồi bỏ hoang anh tiến hành cải tạo 1ha trồng sắn, 4ha trồng ngô và trồng xoan lấy gỗ. 5ha đất hoang giờ đã phủ lên mình những nương ngô, nương sắn tươi tốt mỗi năm cho gia đình anh thu hoạch 70 đến 80 triệu đồng.
Trong chuồng nhà anh lúc nào cũng có 20 con lợn, mỗi năm từ đàn lợn mang lại giá trị từ 50 đến 60 triệu đồng.
Tận dụng nguồn thức ăn dư thừa từ cây ngô, cây sắn anh mua 5 con trâu về thả mỗi năm cũng mang lại giá trị hơn 10 triệu đồng.
Chị Phạm Thị Khánh, người cùng thôn cho biết: “Anh Cường không chỉ làm kinh tế trang trại giỏi mà trong các hoạt động Đoàn anh tham gia rất nhiệt tình, từ phong trào văn nghệ, thể dục thể thao, thanh niên trong thôn ai cũng quý mến”.
Cường còn giúp đỡ, hướng dẫn bà con trong thôn, nhất là các bạn đoàn viên thanh niên trong xã về cách phát triển kinh tế gia đình. Trang trại của anh có khoảng 10 người thường xuyên làm việc.
Từ nguồn thu nhập ổn định, tạo công ăn việc làm cho nhiều lao động trong thôn, gia đình anh Cường đã mua sắm các vật dụng phục vụ cho sản xuất như máy cày, máy tưới nước và những vật dụng sinh hoạt hằng ngày của gia đình.
Nhờ linh hoạt chuyển đổi cây trồng, con giống cho phù hợp với nhu cầu thị trường để đem lại hiệu quả kinh tế cao nhất. Các sản phẩm đều được anh liên hệ đầu mối tiêu thụ lâu dài, với giá hiện nay riêng giun quế, lợn và dế mèn giống mỗi tháng cho anh thu nhập trên 20 đến 30 triệu đồng; hằng năm, trừ các khoản chi phí anh có thu nhập đều đặn từ 200 đến 250 triệu đồng, đó là con số mơ ước đối với bà con dân tộc vùng cao Thanh Hoá.
Anh Cường cho biết: “Ở miền núi trâu, bò nhiều nên nguồn phân cung cấp cho giun quế ăn rất phong phú, ngoài ra phân do giun thải ra mình bán cho các hộ trồng hoa, bón ruộng rất tốt”. Có thể nói mô hình nông-lâm-ngư nghiệp của anh bố trí rất khoa học, kết hợp, hỗ trợ lẫn nhau giữa cây trồng và vật nuôi, mà không phải bỏ vốn nhiều nhưng hiệu quả cao.
Từ thành công bước đầu trong làm kinh tế trang trại, Cường dự tính tới đây sẽ mở rộng thêm 2 trại giun, kết hợp với trồng thử 100 gốc gấc.
Với sự nỗ lực không ngừng trong lao động, trong công tác đoàn Phạm Văn Cường khẳng định thế hệ trẻ hôm nay đang nỗ lực tiến thân, làm giàu cho bản thân và cho quê hương.
Bài và ảnh: Hồ Điệp |