Hiện đã có trên 10 triệu lượt người tải về sử dụng. “Đây là đứa con tinh thần mà tôi mang tặng mọi người, muốn mang đến cho cộng đồng thêm một công cụ hữu ích, hy vọng rằng chữ viết và truyền thống văn hóa các dân tộc Việt Nam được lưu truyền mãi mãi”. Trần Thanh Bình, Trưởng phòng Công nghệ thông tin, Công ty Cao su Đăk Lăk, bày tỏ tình cảm cháy bỏng của mình.
Việt Nam có 54 dân tộc anh em, trong đó có hơn 28 dân tộc đã có chữ viết, nhưng làm sao để soạn thảo được văn bản tiếng dân tộc mình bằng máy vi tính, để thuận lợi cho việc học hành, làm việc, nghiên cứu khoa học của mọi người, nhất là đối với người dân tộc thiểu số thì đó luôn là niềm trăn trở của anh Trần Thanh Bình-hiện là Trưởng phòng công nghệ thông tin, Công ty cao su Đăk Lăk.
Với vốn kiến thức và niềm đam mê nghiên cứu trên máy vi tính, đến nay anh đã xây dựng thành công bộ gõ dành cho ngôn ngữ phổ thông và các đồng bào dân tộc như Ê-đê, Jai, Băhnar, Mnông, Cơ-ho, Sán chỉ v.v... Anh đặt tên là Bộ gõ dân tộc Việt (viết tắt là VnKey). Thành quả này là kết quả sau 2 năm nghiên cứu, phân tích từ các bộ gõ hiện có như VietKey, Unikey, Bách khoa, VietSpell, bộ gõ của Trương Đình Tú (giải 3 Trí Tuệ Việt Nam) và bộ font chữ Tây Nguyên Key.
Anh Bình nảy ra ý tưởng xây dựng bộ gõ tích hợp đa ngôn ngữ này từ khi còn là giảng viên của trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên (tỉnh Đăk Lăk). Hằng ngày tiếp xúc với các em người dân tộc thiểu số, anh nghĩ nếu soạn giáo án bằng tiếng mẹ đẻ của sinh viên thì chất lượng giảng dạy sẽ được nâng cao hơn nhiều, đồng thời đó cũng là cách góp phần gìn giữ, phát huy ngôn ngữ các dân tộc. Yêu cầu soạn tài liệu tuyên truyền bằng tiếng dân tộc càng thúc bách anh biến ý tưởng thành hiện thực.
Bộ gõ VnKey ra đời đã được đông đảo người dùng từ các cơ quan hữu quan đến học sinh, sinh viên và nhất là cán bộ của 165 xã phường, hơn 2.800 thôn, buôn tại tỉnh Đăk Lăk nhiệt tình sử dụng. Trong ngành giáo dục, tại Trường Cao đẳng nghề Thanh niên Dân tộc Tây Nguyên, bộ gõ đã góp phần phá đi rào cản về ngôn ngữ nhờ vào việc áp dụng bộ gõ để soạn giáo án song ngữ phục vụ công tác giảng dạy (Kinh và một thứ tiếng dân tộc thiểu số).
Từ khi “ra mắt”, không những ở Tây Nguyên, mà đã có nhiều giáo viên ở Quảng Ngãi và miền núi phía Bắc đã gọi điện cảm ơn tác giả VnKey vì bộ gõ giúp ích rất nhiều cho công việc. Hiện chương trình dạy tiếng mẹ đẻ cho đồng bào dân tộc thiểu số như Ê-đê, Mnông... trong các trường phổ thông là chủ trương lớn của nhà nước ta nhằm phục vụ sự nghiệp đoàn kết dân tộc và phát triển kinh tế, xã hội ở mọi miền đất nước, bộ gõ này đang được đánh giá là một công cụ hữu hiệu trong việc dạy và học.
Phiên bản VnKey đầu tiên này soạn thảo được 12 ngôn ngữ các dân tộc chủ yếu là ngôn ngữ phái Nam đảo, môn khmer... Hiện anh Bình đang tích cực làm việc để cuối năm nay (12/2010) sẽ ra mắt phiên bản gõ được 17 ngôn ngữ dân tộc khác nhau.
Phiên bản VnKey 2010 sẽ là một bước ngoặt và là thách thức lớn cho tác giả khi phải tích hợp hệ thống ký tự của đồng bào các dân tộc Thái, Chăm và một số ký tự phi Latin vào bảng mã. Anh cho biết, bàn phím dùng cho thị trường Việt Nam là bàn phím Latin, các nhà sản xuất không sản xuất bàn phím dành riêng cho các dân tộc Việt Nam sử dụng cùng bộ chữ của họ. Do đó, để có được bộ gõ tích hợp đa ngôn ngữ Việt thì cần phải cho tương ứng ký tự nguyên thủy của bộ chữ viết tương ứng phi Latin với ký tự Latin trên bàn phím. Chính vì vậy bộ gõ không phải tùy tiện làm là xong mà còn phụ thuộc vào tiến trình xây dựng ngôn ngữ viết chuẩn cho các dân tộc đang sở hữu bộ chữ viết phi Latin. Anh Bình cho biết, tiến trình đó phụ thuộc vào các nhà ngôn ngữ học và sự phát triển hệ thống giáo dục Việt Nam. Khi ngôn ngữ chuẩn hình thành đến đâu, tác giả sẽ tìm cách tích hợp vào bộ gõ đến đó. Anh cho biết sẽ không ngừng cập nhật thông tin, tiếp tục hoàn thiện bộ gõ theo hướng gõ được tất cả các chữ viết của các dân tộc thiểu số trên cả nước.
Sản phẩm VNKey đã được UBND tỉnh Đăk Lăk tặng bằng khen, đạt giải nhì trong Hội thi Sáng tạo kỹ thuật tỉnh Đăk Lăk lần thứ nhất và đã được đăng ký quyền tác giả và sở hữu trí tuệ. Anh Bình một mình thực hiện bộ gõ này, không có bất cứ một tài trợ nào. Anh làm ra nó hoàn toàn để dâng tặng cộng đồng, đặc biệt là đồng bào các dân tộc thiểu số cả nước nên bất cứ ai cũng có thể sử dụng miễn phí. Anh đã tặng nhiều đĩa phần mềm, giới thiệu sản phẩm trên nhiều trang web để mọi người vào tải.
Bên cạnh việc xây dựng bộ gõ dân tộc việt, Trần Thanh Bình còn ứng dụng bộ gõ và dựa trên những từ điển chuẩn mới nhất để thiết kế đa từ điển một số dân tộc thiểu số Tây Nguyên như: Ê- đê – Việt, Mnông – Việt, Jrai – Việt... Anh đã nhập được hàng chục ngàn từ và đang nỗ lực để tới tháng 3 năm 2011 bộ đa từ điển sẽ hoàn thành và đưa ra cho cộng đồng sử dụng.
Hồng Minh - Vũ Đình Năm |