Báo DT & PT Ngày 7/10, tôi ngược đường 8, rẽ qua tỉnh lộ 5 để lên Hương Khê, nơi được xem là “rốn lũ” và là địa phương chịu thiệt hại nặng nề của tỉnh Hà Tĩnh. Mưa đã ngừng nhưng nước chưa rút. Tỉnh lộ 5 nối huyện Đức Thọ-Vũ Quang-Hương Khê, nhiều đoạn vẫn ngập sâu. Qua xã Đức Lạc (Đức Thọ), xe tôi chới với trong dòng nước chảy xiết. Đoạn đường chỉ 50km nhưng sao dài dằng dặc! Dọc hai bên đường, dấu vết hung hãn của đợt mưa lũ vừa qua vẫn còn hiển hiện. Xa xa, nhiều thôn xóm vẫn bị chia cắt, phương tiện di chuyển của người dân là thuyền và những vật có thể giúp người ta nổi được trên mặt nước. Con sông Ngàn Sâu không nhận đâu được bờ.
Theo Đoàn Công tác vượt lũ 20km, tôi đến xã Phương Mỹ, nơi vẫn bị cô lập hoàn toàn. Lô xô trong màn nước đỏ ngầu là sự tan hoang đến rợn người. Ông Nguyễn Hồng Lam-Bí thư xã Phương Mỹ nói: “Vùng ni lũ về là ngập, là thiệt hại. Năm mô cũng rứa! Chúng tôi đã không sợ lũ, nhưng rất sợ đói và khát khi lũ đi qua!”
Quả thật sau lũ, cái đói làm nát lòng người. Dẫn đầu Đoàn Công tác của Chính phủ, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cùng Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Cao Đức Phát đã gửi tới người dân vùng lũ Hương Khê những gói mì cứu trợ đầu tiên.
Đã quen với cái thất thường của thiên nhiên, nhưng sau mỗi đợt lũ lụt đi qua, người dân miền Trung lại xót nỗi đau mất người mất của. Theo báo cáo nhanh từ các địa phương, tính đến sáng 7/10, số người chết và mất tích lên tới 66 người, trong đó Quảng Bình là tỉnh chịu nhiều thiệt hại nhất với 33 người chết và 14 người bị mất tích.
Riêng huyện Hương Khê, mưa lũ đã làm 4 người chết và 1 người bị thương. Mưa lũ đã chia cắt, cô lập 17/22 xã, làm ngập sâu trên 16.520 hộ, làm hỏng hàng ngàn ha lúa mùa và hoa màu... Tổng thiệt hại về tài sản ước tính trên 350 tỷ đồng. Lũ đi qua, bao thành quả một năm vất vả nhọc nhằn của người dân bị cuốn đi, để lại nhiều nỗi đau khó nguôi ngoai.
Trong những ngày mưa xối xả, người dân Hương Khê vẫn vượt lũ để tiễn đưa cô giáo Trần Thị Hoa-Giáo viên Trường Mầm non xã Hương Thủy. Ngày 3/10, khi biết Trường Mầm non Hương Thủy sắp bị ngập, cô Hoa đã cùng chồng vượt cầu Hối Hối để vào trường cứu sách vở. Khi sắp bước lên bờ bên kia thì một cơn nước lớn bất ngờ ập đến, cuốn trôi 2 người vào biển nước. Phận gái sức yếu, cô Hoa đã bị dòng nước nhấn chìm.
Khi được tin dữ, lãnh đạo Sở và Phòng Giáo dục huyện đã đến động viên, chia sẻ với sự mất mát của gia đình cô Trần Thị Hoa. Theo thống kê của Phòng Giáo dục huyện Hương Khê thì trong đợt mưa lũ vừa qua có 23 trường bị ngập lụt, trong đó có nhiều trường bị ngập sâu trên 4 mét. Toàn bộ sách vở, thiết bị dạy học của các trường này đều bị hư hỏng, khó sử dụng lại. Ông Lê Ngọc Minh-Trưởng Phòng Giáo dục huyện cho biết: “Từ 5/10, có 3 vạn học sinh đã phải nghỉ học. Chúng tôi cũng đã huy động lực lượng giáo viên đến những điểm trường nước đã rút hết để khắc phục hậu quả lũ lụt”.
Ông Trần Hồng Quân-Chủ tịch xã Phương Mỹ nói: “Cái cần làm là huy động sức người để khắc phục hậu quả lũ. Nước rút đến đâu thì cần quét dọn, phun thuốc khử trùng phòng dịch bệnh đến đó”. Ngay khi mưa chưa dứt, huyện Hương Khê đã chuyển phát gấp 11 tấn mì tôm, 200 thùng nước uống và một lượng lớn thuốc khử trùng, phòng dịch về tận các xã. Riêng Phương Mỹ, do vẫn bị chia cắt nên lượng hàng tiếp tế đến muộn hơn các xã khác.
Trong những ngày lũ cuốn, nguy cơ vỡ đập công trình thủy điện Hố Hô được cảnh báo với mức độ cao nhất. Huyện Hương Khê đã buộc phải sơ tán gần 20 nghìn hộ dân nằm trong vùng ảnh hưởng của đập thủy điện. Hơn một năm trước, chỉ một trận mưa vừa, công trình này đã sạt lở nghiêm trọng.
Tôi chợt nghĩ, lại thêm một lần cả nước sẽ chung nỗi đau cùng miền Trung ruột thịt. Trước mắt, hàng trăm tỷ đồng cùng hàng cứu trợ sẽ giúp người vùng lũ sửa sang nhà cửa, giải quyết nạn đói và phòng chống dịch bệnh sẽ bùng phát sau lũ. Nhưng biện pháp hữu hiệu nào để sau mỗi đợt mưa lũ đi qua, người dân sống trong vùng lũ không phải đối diện với cảnh tay trắng, đã và đang là những trăn trở, suy tư của các cấp ủy đảng, chính quền và nhân dân cả nước.
Sỹ Hào |