Những năm gần đây, xu hướng thanh niên rời làng quê lên thành thị mưu sinh, mong có cơ hội đổi đời ngày một nhiều. Nhưng cũng không ít thanh niên dám bỏ nơi phồn hoa đô thị đến với những vùng đất khô cằn, rừng núi hoang vu để quyết chí lập nghiệp. Phạm Văn Thanh, phường Phúc Sơn, TP. Thanh Hóa, nay là chủ một trang trại lớn ở xã miền núi Thanh Tân (Như Thanh-Thanh Hóa) là một người như thế. Từ TP. Thanh Hóa, Chúng tôi vượt hơn 70 km trên con đường đất đỏ, dốc đứng, dốc nằm để đến đất Thanh Tân (Như Thanh -Thanh Hóa). Khi biết chúng tôi muốn tìm hiểu về mô hình phát triển trang trại đồi rừng ở địa phương, anh Hà Đức Toàn, Chủ tịch xã Thanh Tân niềm nở: “Đi với tôi, có đề tài hay cho Nhà báo viết đây”. Mất gần 1 giờ đường rừng, chúng tôi cũng tới trang trại rộng hơn chục héc-ta mà Chủ tịch xã muốn giới thiệu. “Trai thành phố đấy, lên rừng được 2 năm rồi”, Chủ tịch Toàn nói vậy. Còn chủ trang trại Phạm Văn Thanh, khoảng 30 tuổi, nước da rám nắng, quần ống thấp, ống cao, nở nụ cường như nắng gió chào khách. Trước đây, anh là đội trưởng quản lý công trình cho một công ty giao thông ở thành phố, do công việc luôn phải đi nhiều nơi, những công trình của công ty phần lớn lại thi công ở miền núi xứ Thanh. Nhiều lần công tác, anh phải nằm hàng năm trong núi, thấy đất đai ở đây nhiều, lại chưa được bà con khai thác hết tiềm năng, trong khi các nhà máy mía đóng trên địa bàn thì lúc nào cũng khát nguyên liệu, quá lãng phí. Suy nghĩ ấy cứ đeo bám thôi thúc anh về với núi rừng. Khi biết Thanh có ý định “lên rừng”, cả gia đình phản đối, vợ anh không đồng ý nhưng anh vẫn quyết chí thực hiện giấc mơ làm chủ một trang trại ở đất Tân Thanh. Hai năm với lưng vốn còm chắt chiu Thanh đã bám rừng, Thanh nói: “Trước đây mấy quả đồi này toàn cây hoang, cỏ dại anh ạ! Ngoài 4 ha mía sắp thu hoạch, em cũng vừa trồng thêm 1ha sắn, 5ha cây keo tai tượng. Lợi nhuận dự tính sau thu hoạch, mía, sắn cũng được 30 - 40 triệu đồng...”. Câu chuyện của chúng tôi bị cắt ngang, bởi có người dân đến mua giống cây keo của anh Thanh bảo: “Vườn keo em tự ươm để giảm chi phí mua keo giống, thấy giống keo mình tốt nên bà con tới mua. Em phải đi tận Vĩnh Phúc (Phú Thọ) để học ươm giống keo này đấy...”.
Thấy người bạn của mình là Thanh “lên rừng” làm ăn khấm khá, anh Hoàng Văn Sơn ở Đông Tân (Đông Sơn-Thanh Hóa) cũng học làm theo. Anh Đông mua được 10 ha đất đồi để trồng mía, cây keo, bạch đàn. Sắp tới anh thu hoạch 4ha mía, trừ chi phí cũng được 20 triệu đồng.
Khi mặt trời ẩn mình sau dãy núi, làn sương chiều phủ một lớp mỏng nhẹ ôm cả đồi mía, rừng keo, bên mâm cơm Thanh nói: “Đây là sản phẩm chăn nuôi của em đấy!”. Thanh nói về dự định trong tương lai, trăn trở là làm sao vay được vốn để đầu tư, mở rộng mô hình, bởi việc khai hoang, chăm sóc trên một diện tích rộng cần phải thuê lao động, đầu tư thêm vốn, làm được vậy, chỉ sau 5 - 6 năm, sản phẩm thu hoạch sẽ rất lớn.
Chủ tịch Hà Đức Toàn nói: “Chính quyền địa phương luôn khuyến khích, tạo mọi điều kiện để người dân phát triển kinh tế đồi rừng. Chúng tôi mong các cấp, các ngành cần có chính sách vay vốn để phát triển kinh tế đồi rừng hiệu quả hơn”.
Như Thọ- Ngọc Hà |