Ai đó từng nói “Người không chọn thơ, văn mà chính thơ văn chọn người”. Câu nói đó đúng với Hoàng Thanh Hương, một thi sỹ đam mê, “cháy” hết mình cho nghệ thuật. Năm 1978, Hoàng Thanh Hương (dân tộc Mường) cất tiếng khóc chào đời tại huyện miền núi Thanh Sơn (tỉnh Phú Thọ). Mẹ là dân tộc Mường, bố là dân tộc Kinh, nhưng từ nhỏ, Hoàng Thanh Hương đã sống với bà con dân tộc Mường. Ngôn ngữ Mường, văn hóa Mường ngấm vào máu thịt chị, để rồi những mạch nguồn văn hóa đó cứ theo chị gieo lên từng trang viết.
Năm 1990, theo tiếng gọi của Đảng, Hoàng Thanh Hương đã cùng gia đình đi xây dựng vùng kinh tế mới ở Gia Lai. Dải đất Tây Nguyên hoang sơ, kỳ vỹ, đa sắc màu văn hóa là mạch nguồn vô tận cho các văn nghệ sỹ nói chung, Hoàng Thanh Hương nói riêng sáng tạo các tác phẩm văn học, nghệ thuật.
Nói thơ, văn đã chọn Hoàng Thanh Hương cũng chẳng sai. Bởi, chị tốt nghiệp Sư phạm Ngữ văn - Đại học Quy Nhơn (Bình Định) năm 2001. Là một người năng nổ, nhiệt tình trong công tác Đoàn, năm 2000, chị đã được kết nạp Đảng tại trường. Ra trường, chị đã có 2 năm làm giáo viên tại Trường THCS Bùi Thị Xuân (thành phố PLâyku), ngôi trường có nhiều học sinh dân tộc thiểu số (DTTS). Việc dạy học đã giúp cô giáo Hương hiểu thêm về tâm lý của con em đồng bào DTTS, hoàn cảnh của mỗi em học sinh với những khó khăn, thiếu thốn trong cuộc sống mưu sinh. Nhưng nghề giáo viên đã không thỏa được chí phóng khoáng, đam mê sáng tác. Năm 2004, Hoàng Thanh Hương đã chuyển về Hội Văn học Nghệ thuật Gia Lai làm biên tập viên văn học. Ở đây, chị được tiếp cận những “đứa con tinh thần” của những cây bút trong và ngoài tỉnh gửi về. Chị nâng niu, trân trọng những tác phẩm của đồng nghiệp, xem như tác phẩm của mình. Công việc biên tập tại Tạp chí của Hội đã giúp chị tiến bước trên con đường nghệ thuật. Đồng thời, cũng giúp chị có thời gian sáng tác nhiều hơn, so với công việc giáo viên suốt ngày phải “đánh vật” với những trang giáo án, không được sai sót, dù chỉ một từ, một câu.
Quan điểm sáng tác của chị “có thực tế, cảm nhận, viết, gọt dũa”. Đơn giản là vậy, nhưng từ chuyến đi thực tế, đến khi cho ra được tác phẩm “đứa con tinh thần” là cả một thời gian dài. Có những bài thơ viết rất nhanh, không chỉnh sửa nhiều, nhưng cũng có những bài thơ, trang văn viết ra để một thời gian sau rồi ngẫm nghĩ, đọc lại, chỉnh sửa nhiều lần mới nên hồn nên cốt.
Chị tâm sự: “Tây Nguyên là vùng đất rộng lớn, màu mỡ, có đông đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống. Những năm 90 của thế kỷ XX, vùng đất Tây Nguyên nói chung và Gia Lai nói riêng còn hoang sơ lắm. Những người dân đất Bắc, cùng với người dân bản địa đã khai phá vùng đất mới, đánh thức tiềm năng sẵn có, hình thành các buôn, làng, phố phường sầm uất như hôm nay. Mình đã ăn cơm Tây Nguyên, thấm mưa Tây Nguyên, uống nước Tây Nguyên. Vì vậy, nhiều sáng tác của mình cũng thẫm đượm màu văn hóa Tây Nguyên”. Song, mỗi khi nghĩ về tuổi thơ, chị lại sáng tác những câu thơ đậm chất văn hóa dân tộc Mường.
Hoàng Thanh Hương, cảm nhận mùa xuân ở thành phố Cao nguyên rất khác, chị viết: “Mươn mướt chồi non, rủ nhau nhú lên từ đất mẹ, ba zan mùa xuân, dã quỳ bung rộ, rực vàng những triền đồi đầy gió, nồng nàn miên man. Những nụ mai hồn nhiên, thiêm thiếp dựa vào nhau mê ngủ, chờ phút giao thừa, đua nhau nở, sắc vàng rực rỡ tinh khôi. Em đợi anh. Ba zan mùa xuân, chốn thiên đường mê hoặc…” (Cao nguyên mùa xuân)
Viết báo, viết văn, làm thơ, đến nay, Hoàng Thanh Hương đã cho xuất bản 3 đầu sách (gồm 2 tập thơ, 1 tập truyện ngắn). Năm 2010, chị sẽ cho xuất bản thêm 1 tập thơ. Với những nỗ lực không ngừng, nghiêm túc trong sáng tạo văn học nghệ thuật, Hoàng Thanh Hương đã giành được những thành công bước đầu. Tập thơ “Lời cầu hôn của rừng” đoạt giải B (không có giải A) của Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam (2008), Giải thưởng cho tác giả trẻ của Ủy ban Toàn quốc Liên Hiệp các Hội Văn học Nghệ thuật cho tập “Dự cảm” (2006). Hiện, Hoàng Thanh Hương là hội viên Hội Nhà báo Việt Nam, Hội Văn học Nghệ thuật các DTTS Việt Nam. Niềm đam mê, khát khao cháy bỏng trong việc đi tìm cái mới, thể hiện trên từng trang viết. Tin rằng, tác phẩm của Hoàng Thanh Hương được nhiều công chúng tìm đọc…
Nông Văn Lập |