Ngày 13.11, huyện Mèo Vạc đã long trọng tổ chức Đại hội đại biểu các dân tộc thiểu số lần thứ nhất. Đến dự có lãnh đạo Sở VHTT&DL, Ban Dân tộc tỉnh, lãnh đạo huyện và các xã, thị trấn của Mèo Vạc. Đại hội tập hợp 168 đại biểu của các dân tộc, các lĩnh vực, cơ quan trong huyện.
Đại hội tổng kết, đánh giá công tác dân tộc qua các thời kỳ cách mạng cho đến nay. Là huyện có 18 xã, thị trấn với gần 7 vạn dân thuộc 16 dân tộc anh em, trong đó, dân tộc Mông chiếm trên 76%, còn lại là các dân tộc khác như Dao, Lô Lô, Giấy, Xuồng… Trải qua các thời kỳ, đồng bào các dân tộc huyện Mèo Vạc luôn thể hiện ý chí kiên cường, vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, quyết tâm đi theo con đường mà Đảng và Bác Hồ đã lựa chọn. Ngày 15.12.1962, huyện Mèo Vạc được tách lập từ huyện Đồng Văn cũ. Qua gần 50 năm xây dựng và phát triển, dưới sự lãnh đạo của Đảng bộ huyện, với tinh thần đoàn kết, nỗ lực vươn lên, đời sống của đồng bào các dân tộc trong huyện không ngừng được nâng lên. Đặc biệt là công cuộc đổi mới do Đảng khởi xướng và sự nỗ lực trong những năm gần đây đã đem đến những đổi thay to lớn.
Trong 5 năm qua, huyện đã huy động được trên 200 tỷ đồng đầu tư phát triển cho các xã khó khăn và vùng dân tộc trong huyện. Cùng với đó là việc huy động được sức mạnh nội lực trong đồng bào các dân tộc tích cực tham gia các chương trình phát triển giao thông nông thôn, thuỷ lợi, các công trình phúc lợi xã hội… Đến nay, đã có 3 xã hoàn thành mục tiêu Chương trình 135, 100% số xã trong huyện đã có đường ô tô đến trung tâm, 15/18 xã có điện với 3.352 hộ được sử dụng điện. Văn hoá, xã hội có sự phát triển, phát huy mạnh mẽ các giá trị bản sắc văn hoá các dân tộc. Toàn huyện hiện có 30 làng văn hoá cấp tỉnh, 119 làng văn hoá cấp huyện, 4 làng văn hoá du lịch cộng đồng. Huyện đã hoàn thành phổ cập THCS, tỷ lệ huy động trẻ trong độ tuổi (6 – 14) đến trường đạt 97%. Ngày càng có nhiều những điển hình tiên tiến trong các phong trào phát triển KT – XH ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số.
Bên cạnh những kết quả đạt được, báo cáo tại Đại hội cũng nêu lênnhững khó khăn, thách thức đó là: Tỷ lệ hộ nghèo ở các xã đặc biệt khó khăn còn cao, với trên 44%. Chất lượng, hiệu quả công tác giáo dục - đào tạo còn thấp. Hệ thống chính trị cơ sở có nơi còn yếu, năng lực đội ngũ cán bộ còn nhiều hạn chế. Một số nơi do chưa làm tốt công tác giữ gìn an ninh trật tự, bị kẻ xấu lợi dụng truyền đạo trái pháp luật, gây mất đoàn kết…
Đại hội đã thông qua Quyết tâm thư nêu rõ: Đại đoàn kết các dân tôc là truyền thống quý báu, là nét đẹp văn hoá, là động lực có ý nghĩa quyết định cho sự phát triển toàn diện, vững chắc của huyện nhà. Tại Đại hội, UBND huyện đã trao tặng danh hiệu đại biểu dân tộc thiểu số xuất sắc và Kỷ niệm chương cho 168 cá nhân. Đại hội cũng đã bầu ra các đại biểu đi dự Đại hội cấp trên. Nhân dịp diễn ra Đại hội, nhiều hoạt động văn hoá, thể thao sôi nổi, mang đậm bản sắc dân tộc đã được tổ chức với các môn thi thể thao truyền thống như đẩy gậy, đánh sảng, các tiết mục văn nghệ dân gian… Qua đó, nhằm phát huy tinh thần đại đoàn kết các dân tộc, tạo ra động lực mới trong thời kỳ hội nhập và phát triển.
Huy Toán (Nguồn: baohagiang.vn)
[TT: H.T.N] |