Từ cuối tháng 7/2009 đến nay, tình hình khai thác vàng sa khoáng trái phép diễn ra ồ ạt tại các huyện miền núi Quảng Nam. Sông suối, đất rừng bị băm nát. Trong khi đó, chính quyền một số nơi “thỏa hiệp” để “vàng tặc” ngang nhiên hoạt động. Hàng loạt điểm khai thác vàng trái phép diễn ra công khai, kéo dài gây mất an ninh, trật tự xã hội, bất bình trong dư luận. Cày nát rừng, sông suối
Dọc các con sông, dòng suối và những cánh rừng tại các huyện miền núi Phước Sơn, Nam Giang, Tây Giang, Đông Giang, Hiệp Đức, Tiên Phước (Quảng Nam) hiện đang có rất nhiều “điểm nóng” về khai thác vàng sa khoáng và vàng gốc trái phép. Nhiều nơi, “vàng tặc” đưa cả máy ủi, tàu cuốc, máy nổ và hàng chục “quân” vào rừng đào vàng cả ngày lẫn đêm, gây náo loạn cả vùng.
Sông Vàng qua khu vực Nà Mun (xã Tư, huyện Đông Giang) đã và đang bị băm nát, hầm hố nham nhở, cây cối đổ ngổn ngang, nước sông thì đỏ quạch... Nơi đây trở thành “lãnh địa” của những người khai thác vàng trái phép, ngay cả những người Cơ-tu bản địa cũng không dám... bén mảng đến. Ông Nguyễn Văn Phải, Chủ tịch UBND xã Tư, nói trong bất lực: “Biết rừng Nà Mun bị tàn phá nghiêm trọng nhưng chúng tôi cũng không thể làm gì hơn. Lực lượng liên ngành của huyện tăng cường về địa phương nhưng tình hình khai thác vàng trái phép vẫn không thuyên giảm”.
Hầu hết các con sông, dòng suối ở huyện Phước Sơn đều có những tụ điểm khai thác vàng trái phép. Nhiều đoạn trên sông Đăkmy ở Phước Chánh, sông Trường ở Phước Hiệp, suối Đăksa ở Phước Đức, suối Đăkmet ở Phước Thành... bị “vàng tặc” biến thành sông suối chết, do môi trường bị tàn phá, ô nhiễm thủy ngân, cyanua...
Theo Phòng Tài nguyên - Môi trường (TN-MT) huyện Phước Sơn, ngoài 12 công ty được cấp phép, trên địa bàn huyện còn có hàng chục điểm khai thác vàng “chui”; một số công ty, đơn vị tham gia vào “đội quân vàng tặc”. Dù chưa có giấy phép nhưng hơn tháng nay, Công ty TNHH Thiên Phước vẫn ngang nhiên đưa phương tiện, đưa quân vào khai thác vàng dọc dòng sông Đăkmy tại thôn 4, xã Phước Đức.
Khó đẩy đuổi “vàng tặc”
Ông Đinh Văn Long, Phó phòng TN-MT huyện Phước Sơn, cho biết: Từ đầu năm đến nay, lực lượng liên ngành của huyện đã tổ chức 4 đợt truy quét vào các tụ “điểm nóng” khai thác vàng trái phép. Các cuộc đột kích đều bất ngờ, bí mật nhưng khi đến nơi thì “vàng tặc” đã... cao chạy xa bay. Lực lượng chức năng giữ 28 máy nổ dùng để khai thác vàng, đốt 15 lán trại, chặt phá 5.000m ống dây dẫn nước; xử phạt hành chính 210 triệu đồng và phạt vi phạm môi trường 25 triệu đồng đối với những đơn vị chưa được cấp phép, hoặc đựơc cấp phép nhưng không thực hiện cam kết bảo vệ môi trường.
Các địa phương miền núi Quảng Nam hiện đang “đau đầu” với những hệ lụy của việc khai thác vàng trái phép. Không chỉ đất rừng bị mất, môi trường ô nhiễm nghiêm trọng, mà tệ nạn xã hội như mại dâm, ma tuý, HIV cũng bộc phát... Ông Doãn Văn Thanh, Trưởng phòng Khoáng sản Sở TN-MT Quảng Nam, thừa nhận: “Kiểm soát tình hình khai thác vàng trái phép ở các địa phương miền núi rất khó khăn. Lực lượng chức năng của tỉnh và huyện tổ chức truy quét, đẩy đuổi xong, sau khi rút về thì đâu lại vào đấy”.
Trước diễn biến phức tạp của nạn khai thác vàng trái phép ở các địa phương miền núi, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam Nguyễn Ngọc Quang vừa ký công điện chỉ đạo các cơ quan chức năng của tỉnh phối hợp với các địa phương xử lý triệt để các điểm nóng, đẩy đuổi các đối tượng khai thác khoáng sản trái phép ra khỏi địa bàn và xử lý nghiêm hành vi tiếp tay và thỏa hiệp với “vàng tặc” để thu ngân sách của một số địa phương. Công điện nêu rõ: “Trường hợp chính quyền địa phương cơ sở không chấp hành thực hiện hoặc chần chừ, né tránh, dung túng cho các đối tượng vi phạm, còn để hoạt động khai thác vàng trái phép tiếp diễn thì Chủ tịch UBND cấp huyện chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và pháp luật”
Bài và ảnh: Lê Phước Lan Nhi |