 |
| Đợt mưa lũ xảy ra vừa qua tập trung chủ yếu tại các tỉnh Bắc Kạn, Cao Bằng, Lai Châu, Tuyên Quang, Yên Bái… Theo thống kê sơ bộ của Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bắc Kạn, thiên tai đã làm 13 người trong tỉnh bị chết. Đến sáng sớm 6-7 lực lượng cứu hộ huyện Pác Nặm mới đào bới tìm được 4 thi thể nạn nhân. Mưa lớn còn vùi lấp hoàn toàn 21 nhà dân tại hai xã Nhạn Môn và Công Bằng; 35 nhà tại các xã Giáo Hiệu, Nhạn Môn, Công Bằng bị sạt lở; 88 hộ ven sông Năng vẫn ngập chìn trong nước. Giao thông ở cả 10 xã trong huyện đều bị ách tắc do đất vùi lấp, điện lưới và điện thoại cũng mất suốt ngày mùng 4/7, hiện tại mới khắc phục được tại trung tâm huyện Pác Nặm và đang tiến hành sửa chữa tại các xã.
Theo ông Nguyễn Văn Du, Bí thư Huyện uỷ Pác Nặm cho biết, tất cả 11 người được coi là mất tích tại thôn Khền Lền, xã Công Bằng đã trở về trong tâm trạng hoảng loạn, suy kiệt sau mấy ngày tránh lụt. Lực lượng cứu hộ đã kịp thời động viên, chăm sóc sức khoẻ để họ bình tĩnh giúp lực lượng cứu hộ huyện tìm kiếm người thân trong đống đổ nát.
Theo tổng hợp của Ban chỉ đạo phòng, chống lụt bão Trung ương, mưa lớn liên tục trong những ngày qua đã gây thiệt hại nặng về tài sản của Nhà nước và nhân dân trong tỉnh Yên Bái. Mưa lũ đã làm Quốc lộ 32, đoạn từ thị xã Nghĩa Lộ đi huyện Mù Căng Chải có hơn 40 điểm sạt lở với chừng 20.000m3 đất đá gây ách tắc giao thông. Nhiều điểm trên địa bàn các xã La Pán Tẩn, Zé Su Phình, Hồ Bốn (huyện Mù Cang Chải) bị sạt lở nặng, làm ách tắc giao thông toàn tuyến. Mặc dù Sở Giao thông - Vận tải tỉnh Yên Bái đã chủ động bố trí lực lượng và phương tiện túc trực, sẵn sàng giải tỏa giao thông nhưng do cấu trúc địa chất của các điểm sạt lở yếu nên thường chỉ giải phóng tạm thời, sau đó đất đá lại tiếp tục sạt lở gây ách tắc giao thông. ở huyện Mù Căng Chải, sạt lở đất còn làm lún, sạt, buộc nhiều hộ dân phải di dời đến nơi ở tạm. Hiện công tác khắc phục thiệt hại đang được tiến hành khẩn trương.
Tỉnh Lai Châu cũng là địa phương bị thiệt hại nặng nề sau các trận mưa lớn vừa qua, bước đầu ước tính khoảng 81 tỉ đồng. Trong đó, nặng nhất là tại các huyện Phong Thổ, Mường Tè, Tân Uyên và Tam Đường. Thống kê ban đầu, đã có 7 người bị thiệt mạng, 3 cây cầu bị phá hủy, tuyến tỉnh lộ 127 từ ngã ba Lai Hà đi huyện Mường Tè bị hư hỏng nghiêm trọng do vậy bị cô lập với bên ngoài. Chính quyền tỉnh Lai Châu, Ban Chỉ huy phòng, chống lụt bão tỉnh và các địa phương đã khẩn trương chỉ đạo lực lượng khắc phục hậu quả với phương châm “4 tại chỗ” như hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi phục vụ sản xuất; điều động máy móc, nhân công khắc phục sạt lở tại các tuyến giao thông trọng điểm; cứu trợ gia đình các nạn nhân bị ảnh hưởng của thiên tai.
Mặc dù hiện nay trời đã hết mưa, nhưng nước trên thượng nguồn vẫn đang dồn về hạ du. Trao đổi với chúng tôi, bà Nguyễn Lan Châu, Phó giám đốc Trung tâm Dự báo Khí tượng - Thủy văn Trung ương cho biết: Lũ trên các sông thuộc hệ thống sông Đà và sông Lô xuống chậm, có thể gây nên những hiểm họa bất ngờ. Không chỉ các tỉnh miền núi phía Bắc, các địa phương gần hạ lưu sông Hồng và sông Thái Bình cần đề phòng lũ lên nhanh ở các bãi và ven sông.
Điều bất ngỡ đã được báo trước:
Lũ về nhanh, bất ngờ, làm chết người, thiệt hại tài sản, sạt lở đường, trôi hoa màu… ở hầu khắp các tỉnh vùng núi phía Bắc khiến người dân cả nước đau xót bàng hoàng. Như vậy, chỉ sau một đợt mưa không lớn lắm đã khiến đời sống của nhân dân nhiều thôn, bản vùng cao vốn đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn và hậu quả của nó chắc chắn sẽ phải mất nhiều thời gian mới khắc phục được.
Dù chưa phải là lúc ngồi lại để tìm nguyên nhân, rút kinh nghiệm, nhưng ngay từ bây giờ, chúng ta đã có thể đặt câu hỏi về việc triển khai công tác phòng, chống lụt bão ở những địa phương này. Không thể đổ lỗi cho sự bất ngờ, bởi từ nhiều năm nay, vùng núi phía Bắc là nơi xảy ra nhiều vụ thiên tai, gây thiệt hại rất lớn về người và của, mà nguyên nhân không gì khác là diện tích rừng nói chung và rừng đầu nguồn bị tàn phá nghiêm trọng. Đáng tiếc, sống giữa vùng luôn tiềm ẩn nguy cơ xảy ra lũ quét, lũ ống, sạt lở núi nhưng người dân chưa ý thức được mối nguy hiểm tiềm tàng ấy. Ngược những con đường lên Tây Bắc, Việt Bắc… có thể bắt gặp những cánh rừng tiếp tục bị đốt làm nương, nhiều căn nhà, dãy phố được xây dựng ngay dưới những chân núi bị khoét hõm vào, bên những dòng suối có con nước lên xuống thất thường. Người dân có thể chủ quan, chưa lường trước sự nguy hiểm, nhưng chính quyền cơ sở thiếu giải pháp xử lý hiệu quả thì thật đáng trách. Chúng ta biết rằng, người dân không thể tự ý khoét núi, lấp sông để xây nhà mặt đường ven quốc lộ, tỉnh lộ, ven sông suối nếu chính quyền xã, huyện quản lý chặt chẽ. Cũng không thể có chuyện tàn phá rừng, nhất là ở một số khu vực đầu nguồn được Nhà nước khoanh nuôi, bảo vệ nếu như có sự phối hợp nhịp nhàng giữa các cơ quan, ban, ngành địa phương; kết hợp tốt giữa tuyên truyền, giáo dục với xử lý răn đe nghiêm… ngay từ đầu.
Thiên tai xảy ra cũng bộc lộ những khiếm khuyết trong triển khai thực hiện phương châm “4 tại chỗ” khi các tuyến giao thông bị chia cắt bởi nước lũ, sạt đường khiến lực lượng cứu hộ chưa thể tiếp cận. Tính đến ngày 6-7, con số hơn 30 người chết và hàng chục người mất tích khiến chúng ta không thể không đặt câu hỏi: Các cấp chính quyền cơ sở đã thực sự vào cuộc để “chỉ huy tại chỗ” chưa? ở thời điểm trước, trong và sau khi mưa kéo dài và bắt đầu có hiện tượng lũ lớn xảy ra trên địa bàn, các phương án phòng, chống được triển khai thế nào? Chúng ta đã từng dự báo lũ ống, lũ quét, sạt lở núi… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, không kể đêm ngày. Các địa phương cần có hệ thống cảnh báo và phương án sơ tán dân kịp thời trong tình huống nguy hiểm. Khả năng thiên tai ập đến bất ngờ, rõ ràng đã được dự báo.
Mùa mưa bão mới chỉ bắt đầu, khu vực vùng núi phía Bắc nói riêng, cả nước nói chung chắc chắn sẽ phải đối mặt với nhiều đợt mưa lũ mới. Để giảm thiệt hại thì việc đề cao cảnh giác trước những diễn biến bất thường của thời tiết là trách nhiệm của mỗi người, mỗi gia đình, trong đó lãnh đạo chính quyền cơ sở phải chịu trách nhiệm chính! Hơn lúc nào hết, cảnh giác trước những diễn biến bất thường của mưa lũ để có ngay những biện pháp phòng, chống là nhiệm vụ phải được đặt lên hàng đầu.
Phạm Tuấn |