Cách đây vài năm, khi cây sắn “lên ngôi”, hàng ngàn hộ dân dọc các xã vùng Lìa, huyện Hướng Hoá (Quảng Trị) đã khấp khởi hy vọng đổi đời. Thế nhưng, từ cuối năm 2008 trở lại đây, khi sắn nguyên liệu liên tục rớt giá thê thảm thì đời sống của đồng bào nơi đây cũng vì thế mà lâm vào tình cảnh khốn đốn, khó khăn chồng chất...
Nhìn những nương sắn bạt ngàn xanh mướt đã quá thời điểm thu hoạch mà vẫn chưa được nhổ của đồng bào vùng Lìa trong những ngày này mà chúng tôi không khỏi xót xa. Hàng ngàn hecta sắn của bà con vẫn chưa được thu hoạch và tiêu thụ hết, đồng nghĩa với khó khăn sẽ ập đến đời sống của bà con. Đã có lúc, cây sắn được ví như “cây xóa đói giảm nghèo” hiệu quả của người dân miền núi. Thế mà bây giờ cũng vì cây sắn mà người dân nơi đây lâm vào cảnh lao đao, nguy cơ tái nghèo trên diện rộng là điều khó tránh khỏi. Ông Hồ Dỏ, Chủ tịch UBND xã Thuận, nói như than: “Năm trước, đến thời điểm này đồng bào đã bán hết sắn rồi nhưng năm nay số sắn bán mới chỉ bằng nửa năm ngoái. Giá sắn thấp quá cán bộ à!”. Tổng diện tích trồng sắn của xã Thuận hiện tại khoảng 750ha, nhưng do giá hạ nên trong năm 2008 chỉ trồng được 608ha, tuy vậy đến bây giờ số sắn tiêu thụ được cũng chỉ đạt khoảng trên dưới 300ha.
Dẫn chúng tôi đi qua con đường đến cuối bản 7, nơi tập trung rất nhiều rẫy sắn xanh um của bà con, anh Pả Nam, ở bản 7, xã Thuận, cho biết: “Nhà miềng (mình) trồng 1 ha sắn mà chưa nỡ nhổ. Năm tê (trước) mỗi xe sắn bán thấp lắm cũng được 6-7 triệu đồng nhưng năm ni (nay) bán chỉ được 3,2 triệu đồng. Tính lui tính tới thấy bị lỗ nhiều quá nên miềng bàn với vợ là chờ giá lên miềng mới mượn người tới nhổ bán cho nhà máy”. Cách đây 5 năm, giá sắn còn cao nên mỗi năm gia đình Pả Nam kiếm được hàng chục triệu đồng từ bán sắn, do đó, cuộc sống gia đình Pả Nam cũng như nhiều gia đình khác đã thoát cảnh nghèo đói, đồng thời mua sắm được tivi, xe máy, sửa chữa nhà..., các con cũng được đến trường học chữ. Thế nhưng, từ cuối năm 2008 đến nay, gia đình Pả Nam lại lâm vào khó khăn, đứt bữa. “Cuộc sống của miềng và dân bản mấy năm nay chỉ dựa vào cây sắn, nhưng tình hình cứ như ri chắc bọn miềng đói mất thôi!”, Pả Nam than thở.
Đồng cảnh ngộ như gia đình Pả Nam, gia đình anh Pả Lai cũng trồng được 3ha sắn. Không đành nhìn vợ con nheo nhóc, thiếu cái ăn nên Pả Lai đi khắp bản nhờ mọi người nhổ giúp sắn của mình bán cho nhà máy để lấy tiền mua gạo, thức ăn. “Năm trước, chừng này sắn mình bán được gần năm mươi triệu đồng, nhưng năm nay chắc chỉ bằng một nửa thôi. Mình thuê xe vận chuyển, thuê nhổ cộng với chi phí chăm sóc là mình lỗ chắc. Nhưng không bán thì không có tiền mua gạo ăn với lại sắn để lâu trên rẫy sẽ hỏng, nhà máy sẽ không nhập nên mình đành phải bán thôi”, Pả Lai buồn rầu cho biết.
Những năm trước, sắn được bán với giá từ 1.000 đến 1.300 đồng/kg tươi nhưng từ cuối năm 2008 đến nay giá chỉ còn khoảng hơn 500 đồng. Cũng vì giá sắn “bèo bọt” như thế nên hàng ngàn hộ đồng bào nơi đây lâm vào khó khăn. Do đời sống khó khăn nên nhiều người dân đã bắt đầu quay trở lại việc lên rừng kiếm củi, trỉa ngô, trồng lúa, xuống suối bắt cá để cải thiện cuộc sống thay vì chăm sóc rẫy sắn. Tuy nhiên, việc quay lại những phương thức canh tác lạc hậu này sẽ khiến cuộc sống của bà con ngày càng khó khăn hơn, đồng thời cũng tiềm ẩn nhiều nguy cơ như đốt rừng làm nương rẫy, du canh du cư tự do, mất an ninh trật tự... Đi dọc vào các xã thuộc vùng Lìa khác như xã Thanh, A Túc, A Dơi, Pa Nang... sắn nguyên liệu của bà con cũng chung tình trạng tương tự.
Ông Pả Lao, Chủ tịch UBND xã Thanh tỏ ra buồn bã và lo lắng khi gặp chúng tôi: ”Nếu tình hình giá sắn cứ tiếp tục giảm như thế này thì đồng bào mình không sống nổi mô. Dân bản mình mấy hôm họp đều nói rằng nếu cây sắn không còn giúp dân bản no cái bụng thì Nhà nước nên cho trồng loại cây khác có hiệu quả lâu dài hơn hay có các chính sách hỗ trợ khác... Miềng nghe dân bản nói cũng gật đầu nhất trí nhưng không biết mần răng”.
Theo những số liệu thống kê chưa đầy đủ thì đến thời điểm hiện tại, toàn vùng Lìa còn đến hàng ngàn tấn sắn vẫn đang tồn đọng. Chừng nào giá sắn sẽ tăng trở lại thì không ai có thể biết được. Song trước những khó khăn hiện tại mà người dân nơi đây đang phải gánh chịu, thiết nghĩ các ban, ngành chức năng, các doanh nghiệp cần có biện pháp hỗ trợ, khắc phục để giúp đời sống của bà con nơi đây phần nào vơi bớt những khó khăn.
Bài, ảnh: NGUYỄN KHÁNH |