Câu chuyện về cháu Lộc Văn Đạt, 10 tuổi, con trai duy nhất của anh Lộc Văn Lương, chị Lộc Thị Vững (dân tộc Thái ở bản Hát, xã Tam Lư, huyện Quan Sơn, Thanh Hoá) được cán bộ Đội Tăng cường xây dựng cơ sơ (TCXDCS) số 4 (Ban Chỉ huy Quân sự huyện Quan Sơn) phát hiện ra bệnh viêm cầu thận và cử y sỹ- Thiếu uý Lê Cao Bình “tháp tùng” cháu ra tận Hà Nội để cứu chữa kịp thời đã khiến bước chân tôi thêm vui khi đến thăm đơn vị. Trên con đường chênh vênh bên vách núi uốn lượn theo bờ sông Lò tới nơi đóng quân của Đội, tôi gặp chị Hà Thị Liên ở bản Sại, xã Tam Lư đang địu con đi khám bệnh. Chị Liên kể rằng, những lúc đêm hôm hay trời mưa to, gió lớn, chỉ cần gia đình báo tin có người bị bệnh là bộ đội đến khám và cấp thuốc ngay.
Chứng kiến phút giây Trung tá Phạm Anh Đức, Đội Phó cùng y sĩ - Thiếu úy Lê Cao Bình ân cần tiếp đón và khám, chữa bệnh cho 2 mẹ con, tôi cảm nhận được sự chăm sóc đầy tình yêu thương tràn ngập căn nhà sàn của Đội. Trung tá Phạm Anh Đức tâm sự: Khám, cấp thuốc chữa bệnh không phải là nhiệm vụ chính của Đội, nhưng khi biết dân bản đau ốm, Đội cử y sĩ Bình đến ngay. Phần thuốc cấp cho dân bản được giành dụm từ tiêu chuẩn của anh em. Nhiều lúc thiếu, anh em trong Đội mỗi người tự nguyện góp tiền mua thuốc giúp dân bản. Từ đó mà dân bản xem bộ đội như người nhà nên làm việc gì cũng dễ.
... 6 bản của xã Tam Lư ở thời điểm lúc Đội TCXDCS số 4 mới đặt chân đến chưa có bản nào đạt bản văn hóa. Các hủ tục lạc hậu vẫn tồn tại trong từng ngôi nhà, từng tộc họ. Từ những lần khám chữa bệnh, cấp phát thuốc, cán bộ Đội 4 đã tuyên truyền vận động dân bản bỏ dần các hủ tục. Đến nay, tất cả các bản ở Tam Lư đã phát động xây dựng bản văn hóa, trong đó có 1 bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa cấp tỉnh và 2 bản đạt tiêu chuẩn bản văn hóa cấp huyện.
Nói về việc làm của cán bộ Đội TCXDCS số 4, ông Lữ Xuân Báo, Chủ tịch xã Tam Lư cho biết: “Bộ đội không chỉ tuyên truyền, vận động dân bản bỏ được các hủ tục, xây dựng bản làng văn hóa mà còn xây dựng nhiều mô hình phát triển kinh tế có hiệu quả để dân bản học làm theo. Trên cơ sở đó mà giúp xã xây dựng được lực lượng dân quân mạnh, xử lý tốt mọi tình huống tại chỗ, giữ bình yên bản làng”.
Ở Quan Sơn, ngoài Đội TCXDCS số 4 còn có Đội TCXDCS số 3 đóng quân ở xã Mường Mìn. Sau một quá trình dài “cắm bản” giúp 2 bản của đồng bào Mông là Xi Nại và Mùa Xuân (xã Sơn Thủy) phá bỏ hoàn toàn cây thuốc phiện, phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống, những người lính còn giúp xã tạo nguồn cán bộ người Mông để phục vụ tại địa phương, giúp Sơn Thủy xây dựng vững chắc hệ thống chính trị, mạnh về quốc phòng-an ninh.
Lúc tôi đến, trong ngôi nhà của Đội nằm dưới những tán cây rừng bên bờ sông Luồng, Bí thư Đảng ủy xã Mường Mìn- Lương Văn Dự đang họp bàn với cán bộ của Đội về công tác bảo đảm an toàn cho con em của bản Bơn vượt sông Luồng đến trường trong mùa mưa bão này. Phương án được đưa ra là Bộ đội Đội 3 sẽ huấn luyện và tổ chức dân quân bản Bơn thành một đội cứu hộ, thường xuyên có mặt túc trực ở bến đò để đảm bảo an toàn cho học sinh và kịp thời xử trí các tình huống bất trắc.
Kết thúc cuộc họp, trao đổi với Bí thư Lương Văn Dự, tôi được biết: Để đặt nền móng xây dựng nền quốc phòng-an ninh ở Mường Mìn vững chắc, cán bộ Đội TCXDCS 3 thống nhất với Đảng ủy xã chọn khâu đột phá là nâng cao vai trò của các chi bộ thôn bản, trong đó việc nâng cao năng lực, trình độ của từng bí thư được đặt lên hàng đầu.
Đề cập về cách làm để thực hiện khâu đột phá này, Thượng tá Lại Duy Chính, Đội trưởng cho biết: Trước hết, Đội phân công mỗi cán bộ “bám” mỗi chi bộ, mua sổ sách, hướng dẫn bí thư viết nghị quyết, thủ tục sinh hoạt; tập hợp chi bộ dạy hát Quốc tế ca. Từ đó tạo đà đưa sinh hoạt của chi bộ từng bản vào nề nếp. Đơn cử như Đội đã giao nhiệm vụ cho Trung tá Hà Thọ Thảo xuống bản Yên bàn với Bí thư Chi bộ ra nghị quyết chuyên đề về công tác khuyến học. Từ nghị quyết, đảng viên gương mẫu đi trước trong việc đưa con em bỏ học trở lại trường. Dân bản thấy đúng nên đều động viên con em đi học. Đến nay việc đi học ở bản Yên đã trở thành nề nếp. Cho dù thời tiết nắng hay mưa thì cứ 4 giờ sáng, sau tiếng kẻng báo hiệu của Trưởng bản, tất cả học sinh bản Yên lại cơm đùm, cơm nắm, thắp đuốc sáng trưng, vượt rừng đến trường.
Vai trò của chi bộ thôn bản được phát huy, xã Mường Mìn từng bước mạnh lên; tệ nạn xã hội được khống chế, dẹp bỏ; an ninh thôn, bản ngày càng được củng cố.
Tin ở cách làm của bộ đội với những cán bộ luôn một lòng bám bản, bám dân, sẵn sàng đến những nơi khó khăn nhất, Quan Sơn càng thêm vững vàng thế trận vùng biên.
Bài, ảnh: Hồ Lĩnh |