Từ bến phà Xuân Sơn, ngược dòng sông Son xanh biếc, chiếc thuyền lướt nhẹ giữa hai dãy núi hướng về phía cửa Động. Khi thuyền đi vào một khúc sông rộng cách điểm xuất phát khoảng hơn 2km, bên bờ ruộng ngô xanh tốt, bất chợt người lái đò chỉ vào dấu tích của một bến phà cũ nói: “Nơi đây khoảng hơn 40 năm về trước, lễ truy điệu sống ông Võ Thế Chơn, một người con quê hương Bố Trạch, Quảng Bình đã được tổ chức trang trọng trước khi ông dùng ca nô phá bom từ trường đảm bảo cho những chuyến phà thông tuyến. Tò mò về những trận đánh trên tọa độ lửa, tò mò về “con cá Kình” - nhân vật trong câu chuyện của người lái đò trên dòng sông Son, đặc biệt là muốn nghe kể về lễ truy điệu sống chúng tôi quyết định tìm gặp bằng được người lái bom từ trường năm ấy. Từ Phong Nha theo đường Hồ Chí Minh, ngược đường Ba Trại xuôi về làng chài Lý Hòa (xã Hải Trạch, huyện Bố Trạch) hỏi đường về nhà Trung tá Võ Thế Chơn ai cũng nhiệt tình chỉ dẫn. Bên căn nhà nhỏ hướng ra cửa sông tấp nập tàu thuyền neo đậu, “con cá Kình” năm xưa đã dành cho chúng tôi những câu chuyện cảm động.
Tháng 12/1965, Võ Thế Chơn nhập ngũ vào Ban CHQS huyện Bố Trạch, một tháng sau ông được đơn vị điều động lên chốt giữ tại phà Xuân Sơn. Ông nhớ lại: Lúc đó là thời điểm không quân Mỹ tăng cường đánh phá ác liệt nhất, máy bay mỹ quần đảo liên tục cả ngày và đêm, trung bình một ngày chúng thả xuống khúc sông này hàng trăm quả bom các loại. Phà Xuân Sơn những năm tháng đó không lúc nào ngớt tiếng máy bay, bom, đạn. Giao thông tắc nghẽn, việc vận chuyển lương thực, vũ khí cực kỳ khó khăn.
Trong một cuộc họp, Chi bộ C16 họp bàn tìm phương án phá bom đảm bảo cho các chuyến xe qua sông. Tại cuộc họp này, ông Chơn đã đề xuất phương án dùng ca nô lướt sóng tạo luồng xung kích từ trường kích hoạt bom nổ và phương án này nhanh chóng được Bí thư Chi bộ Trần Phúc Đấu và các anh em trong đơn vị nhất trí. Vốn xuất thân ở vùng quê sông nước, ông cũng được giao trọng trách là người đầu tiên lái ca nô phá bom theo chính phương án mà mình đề xuất. “Hồi hộp lắm nhưng vinh dự lắm!”, ông tâm sự.
Ngay trong chiều hôm đó - một buổi chiều trung tuần tháng 5/1967, một điều bất ngờ đã đến ngoài suy nghĩ của ông. Dưới sự phân công của đồng chí Bí thư chi bộ, đơn vị đã tổ chức lễ truy điệu sống cho Thượng sỹ Võ Thế Chơn ngay bên bờ sông. “Khi tôi vừa bước vào hang, đông đủ đồng đội đã có mặt. Mọi người tuyệt nhiên im lặng, chăm chú nhìn tôi. Lúc đó tôi thật sự bất ngờ trước thái độ của mọi người, nhưng sau phút trấn tĩnh, tôi cũng hình dung ra được sự việc”, ông nói. Rồi ông kể tiếp: Lễ truy điệu diễn ra nhanh gọn nhưng trang nghiêm, xúc động. Khi tôi dứt lời hứa hoàn thành nhiệm vụ với Đảng, với Quân đội, với chỉ huy đơn vị và đồng đội, tất cả mọi người chạy đến, khuôn mặt đẫm nước mắt, những giọt nước mắt lo lắng và cảm phục.
16h30 phút chiều hôm đó, lợi dụng bóng râm tỏa ra từ vách núi, ông nhận lệnh xuống ca nô nổ máy phá bom từ trường, để lại phía sau những ánh mắt những lời động viên của đồng đội, lời nhắn gửi với người vợ trẻ ở quê nhà. Kiểm tra lại hoạt động của động cơ, khoác áo phao lên người, ông từ từ lái ca nô ngược dòng lên bến phà B - (bến phà Nguyễn Văn Trỗi).
“Thời điểm trước khi cầm lái ca nô và sau khi hoàn thành nhiệm vụ trong tôi diễn ra hai trạng thái tâm lý hoàn toàn đối lập. Trước đó mình vững vàng bao nhiêu, tự tin bao nhiêu thì sau khi bước lên bờ tay chân lại run lập cập, nói không thành tiếng. Đến cả bản thân cũng không tin là mình vừa từ cõi chết trở về”, ông tâm sự. Khi ca nô vừa cập bến, đích thân đồng chí Nguyễn Viết Phương, Chính ủy Binh trạm 14 và đồng chí Hoàng Trá, Chỉ huy trưởng Binh trạm đã xuống tận mép sông, trực tiếp bắt tay chúc mừng và tặng cho ông chiếc đồng hồ đeo tay Pôzốt (sản xuất tại Liên Xô). Trên bờ, tiếng vỗ tay, reo hò đồng loạt nổi lên, đồng đội ào đến ôm hôn, tung bổng ông lên trời. Đêm hôm đó, tại bến sông này không có máy bay, không có pháo sáng, bom, đạn, chỉ có tiếng hát, tiếng cười của các cô gái TNXP, cánh lái xe và đồng đội trong đơn vị. Hơn 300 chuyến xe bị tắc phà trong những ngày trước đã vượt sông an toàn. Cả bến phà vui như một ngày hội lớn. Từ đó “con cá Kình” - biệt danh mà các đồng đội dành tặng gắn liền với ông - người đã mở đầu thành công phương án dùng ca nô phá bom từ trường bảo đảm cho những đoàn xe an toàn ra tiền tuyến trong những năm tiếp theo. Là người lính đã từng kinh qua khắp các chiến trường dọc Nam chí Bắc, trở về với cuộc sống đời thường, Trung tá Võ Thế Chơn vẫn luôn tay với công việc. Khi thì tham gia ở Hội Cựu chiến binh xã Hải Trạch, rồi Chủ tịch Hội Nông dân thôn Nội Hải đến việc giúp đỡ ngư dân trong làng sửa chữa tàu thuyền đánh cá. Ở công việc nào, cương vị nào ông cũng luôn trăn trở và làm việc bằng cả tâm huyết.
Với ông, khi còn làm việc, còn có ích có nghĩa là mình còn đóng góp sức mình cho đất nước, cho quê hương. Đó cũng chính là đức tính quý mà các chiến sỹ Bộ đội Trường Sơn năm xưa vẫn luôn gìn giữ.
Tiễn chúng tôi ra tận cổng, ông vui vẻ: “Những địa danh như phà Xuân Sơn, phà Long Đại, ngầm Trạ Ang, đồi Cha Quang..v..v sẽ không bao giờ mất và những con người một thời trong kháng chiến sẽ không bao giờ quên những năm tháng hào hùng. Với bản thân, tôi không đòi hỏi gì nhiều bởi nhân dân Việt Nam anh hùng đã có tôi, Quân đội nhân dân Việt Nam anh hùng đã có tôi, quê hương Quảng Bình “2 giỏi” anh hùng cũng đã có tôi. Vậy tôi đã 3 lần được anh hùng rồi còn gì!”.
Suy nghĩ về lời nói của ông và soi vào những chiến công của thế hệ cha anh ngày trước, thế hệ trẻ chúng tôi thấy mình cần phải cố gắng học tập, rèn luyện nhiều hơn nữa để giữ gìn và phát huy phẩm chất cao đẹp đó-phẩm chất Bộ đội cụ Hồ.
Minh Tú |