Lục Sơn là xã đặc biệt khó khăn của huyện Lục Nam (Bắc Giang) với hơn 85% số dân là đồng bào dân tộc thiểu số. Do địa bàn của xã giao thông đi lại khó khăn, dân số ở không tập trung nên việc chăm sóc sức khỏe cho người dân bị hạn chế.
Bên cạnh đó, nhận thức về chăm sóc sức khoẻ của đồng bào còn thấp, còn tồn tại nhiều hủ tục lạc hậu nên thầy cúng thường là “cứu cánh” của đồng bào để đuổi “con ma bệnh”. Đã không ít trường hợp, bệnh nhân đã mắc bệnh rất nặng mà bà con vẫn không đưa xuống trạm y tế mà mời thầy cúng về đuổi “con ma bệnh”, cán bộ y tế lên tận bản để chữa trị còn bị đồng bào đuổi về...
Trưởng Trạm Y tế xã Lục Sơn Bùi Huy Lộc cho biết: Năm 2002, từ nguồn vốn của Dự án giảm nghèo, Trạm Y tế xã Lục Sơn được đầu tư xây dựng khang trang với các phòng chức năng như: phòng tiêm, phòng đẻ, buồng bệnh, phòng dược, phòng tuyên truyền chăm sóc sức khỏe và vườn thuốc Nam... Bên cạnh đó, được sự hỗ trợ của các dự án, chương trình y tế quốc gia về chăm sóc sức khỏe cộng đồng, Trạm được trang bị nhiều loại máy móc hiện đại như: máy xét nghiệm, máy khí dung, máy li tâm, các phương tiện kiểm tra nhanh lượng đường huyết, nước tiểu... Đội ngũ cán bộ cũng được tăng cường. Hiện Trạm có 5 y bác sỹ, duy trì chế độ trực cấp cứu 24/24 giờ.
Trạm đã phối hợp với các hội, đoàn thể cơ sở xã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động bà con từ bỏ hủ tục; giữ gìn vệ sinh môi trường, phòng dịch bệnh; triển khai đầy đủ các chương trình dự án, mục tiêu y tế Quốc gia. “Đời sống của bà con còn nhiều khó khăn, nên làm được điều gì tốt cho họ là chúng tôi làm. Thấy đồng bào không chữa bệnh bằng y khoa mà dựa vào cúng bái, chúng tôi không đành lòng. Qua vận động, giờ đây, nhận thức của bà con về chăm sóc sức khoẻ cho bản thân, gia đình đã có thay đổi đáng mừng”- bác sĩ Lộc bộc bạch.
Chị Đặng Thị Vui, thôn Văn Non nói: “Thầy cúng không chữa khỏi bệnh cho tôi và các con, còn các cán bộ y tế thì làm được. Bây giờ, tôi tin họ lắm. Bị bệnh, tôi không mời thầy cúng nữa, vừa mất gà, rượu, tiền... lại không khỏi bệnh”. Chị Đinh Thị Lý tâm sự: “Tôi bị khó sinh và trước đây toàn sinh con ở nhà. Những lần trở dạ trong đêm, chồng tôi phải xách đèn đi mời thầy cúng nhưng họ chẳng đuổi được “con ma” ra khỏi các con tôi và đã có đứa mất khi mới chào đời. Từ khi được cán bộ y tế hướng dẫn cách chăm sóc mang thai khi trở dạ, tôi xuống trạm y tế nhờ đó tôi đã sinh nở thuận lợi”.
Nhờ sự quan tâm, nỗ lực từ nhiều phía, năm 2004 Lục Sơn là một trong 6 xã đầu tiên của huyện Lục Nam được công nhận đạt chuẩn Quốc gia về y tế. Năm 2007, Trạm Y tế xã Lục Sơn khám chữa bệnh cho hơn 6 nghìn lượt người, đồng thời cấp phát thuốc miễn phí cho các gia đình là hộ nghèo, gia đình chính sách, người có thẻ BHYT. 9 tháng năm 2008, Trạm đã khám chữa bệnh cho hơn 5 nghìn lượt người. Hiện nay, hơn 90% phụ nữ mang thai trong xã tự giác đến khám thai, tiêm phòng và sinh nở tại trạm, tỷ lệ trẻ em suy dinh dưỡng hằng năm giảm... Qua đánh giá phân loại hằng năm của ngành chức năng, Trạm Y tế Lục Sơn luôn đứng ở tốp đầu.
Ông Phạm Văn Thể, Chủ tịch UBND xã khẳng định: “Đảng, Chính phủ có những chính sách nhân đạo cho đồng bào mà chúng ta không thực hiện là có tội với đồng bào. Mặc dù còn nhiều khó khăn nhưng chính quyền xã tạo điều kiện thuận lợi nhất để Trạm Y tế xã làm tốt nhiệm vụ chăm sóc sức khỏe nhân dân”. Đây cũng là cơ sở quan trọng để y tế của Lục Nam đẩy lùi trò cúng bái và giữ vững danh hiệu chuẩn Quốc gia về y tế.
Bài, ảnh: Bùi Quý |