Dân tộc Mạ sống nhiều ở nam Tây Nguyên vẫn theo tục mẫu hệ, người phụ nữ là chủ gia đình nên con gái thường “bắt” (cưới) chồng về ở rể nhà mình.
Mặc dù con gái sẽ cưới chồng nhưng chủ động tán tỉnh, cầu hôn vẫn phải là con trai. Nhà trai có quyền thách cưới. Của thách cưới là đền đáp công lao cha mẹ sinh thành, nuôi nấng chàng trai từ nhỏ đến lớn để đi làm rể nhà người. Của này có thể để cha mẹ dưỡng già hoặc để lo cho các em gái cưới chồng chứ chàng trai cũng không được hưởng. Theo lời các già kể lại thì trước những năm 1960, của cưới thường là 2 cặp trâu cái (4 con) hoặc 2 con trâu cái đang có chửa, có khi là 2 trâu cái kèm theo 2 nghé. Để giản tiện nhiều nhà nhận bằng vàng từ 2 đến 4 cây, hoặc vài ba chục lượng bạc trắng tuỳ theo sức vóc của chàng trai khoẻ mạnh, siêng năng... Thủ tục tiến hành lễ cưới gồm 3 bước: Dạm ngõ, ăn hỏi và cưới. Các bước này đằng nhà trai gần như không mất gì mà tổ chức tốn kém bao nhiêu đằng nhà gái đều phải chịu. Cỗ đám cưới của người Mạ trước kia không lớn. Chỉ cần có vài món chế biến từ thịt heo hoặc trâu, bò, một món canh cá và đủ rượu, cơm trắng đãi dân làng một bữa no say là được.
Trước tiên là bước dạm ngõ. Đằng nhà gái qua nhà trai khoảng 10 người trong thân tộc, mang theo lương thực, thực phẩm để làm bữa trưa. Đằng nhà trai mời vài ba chục người gồm ông bà, cô bác, chú dì... tới thống nhất việc xin của cưới. Nếu mọi sự diễn ra suôn sẻ thì coi như chàng đã được nàng “đặt cọc” và định ngày làm lễ ăn hỏi (thường diễn ra sau vụ thu hoạch và trước đám cưới ít nhất 2-3 tháng để hai gia đình kịp lo liệu tươm tất). Lễ ăn hỏi to hơn đám dạm ngõ, thành phần mời hầu hết thân tộc của cả hai gia đình, có khi lên tới hơn trăm người. Ngày hôm trước, nhà gái đưa sang một con heo, nếu thấy đông thì một con trâu (hoặc bò) cùng gạo, rau, rượu và các đồ nấu khác để nhà trai tự làm cỗ. Khoảng 10 giờ, nhà gái mang sang nhà trai đồ thách cưới như đã thoả thuận; giờ phút ấy được giữ bí mật đến phút chót. Sau đám hỏi, nếu nhà gái bắt gặp chàng trai có quan hệ với một cô gái nào trên mức tình cảm thì cha mẹ chàng sẽ là người phải chịu phạt rất nặng. Trái lại, nếu cô gái vi phạm sẽ bị nhà trai từ hôn và không trả lại đồ thách cưới đã nhận. Một nửa số đồ thách cưới ấy được góp vào quỹ chung của buôn, một nửa cha mẹ giữ lại. Đám cưới thường được diễn ra vào dịp cuối năm âm lịch. Đám chỉ tổ chức một bữa tại nhà gái, mọi người trong buôn đều đến dự từ sáng sớm để cùng tập trung làm cỗ. Đến 10 giờ thì một đoàn 6-7 người đằng nhà gái qua nhà trai đón chú rể về. Sau khi làm một số nghi lễ như khui rượu cúng Giàng, chào hỏi cha mẹ, nhận anh em..., chú rể vào buồng dắt cô dâu ra trước sự reo hò chúc mừng của tất cả mọi người tham dự và cuộc vui có thể kéo dài đến tận chiều tối.
Khoảng 2 thập niên trở lại đây, tục cưới hỏi của người Mạ được giảm bớt rất nhiều, ngay cả việc con trai cưới vợ về làm dâu cũng vậy. Vẫn làm đủ 3 bước như kể trên song chỉ khi cưới mới tổ chức ăn uống lớn. Đặc biệt, đồ thách cưới mang cho nhà trai để “bắt” chồng nhiều năm qua chỉ mang tính tượng trưng. Cũng có nhiều nhà xin trâu, bò hay vàng, bạc nhưng sau đó thì lại cho hai vợ chồng làm vốn ra ở riêng chứ cha mẹ không lấy. Đây cũng là nét văn hoá mới làm cho nhiều gia đình người Mạ không phải nợ nần vì việc xây dựng gia đình cho con cái như ngày xưa.
K’Sim Hậu |