Nơi núi rừng xanh tốt ấy, mỗi sáng dậy nghe lảnh lót tiếng gà gáy sớm, tiếng con mang hú nhau đi tìm cái ăn và tiếng tụng kinh đưa cõi lòng con người trở về chốn thanh thản. Có ai biết được “bức tranh” thanh bình này được tạo nên từ những người tu hành trên mảnh đất vốn đã bạc màu, trơ trụi, khô khốc nơi chốn bụi thời gian xưa kia.
Khai sáng Núi Đất
Chúng tôi bắt đầu chuyến du ngoạn lên Núi Đất (tọa lạc ở thôn Phú Thọ, xã Hàm Cường, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận) dọc theo con đường lát đá, những viên đá núi xanh thẫm bám đầy rêu khô.
Hoà thượng Thích Chơn Thành, Quyền Trưởng Ban Trị sự giáo hội Phật giáo tỉnh Bình Thuận vừa dẫn đường vừa kể: “Để có con đường này, các sư đã phải đổ rất nhiều công sức, mồ hôi và cả nước mắt” nữa. Cách đây 12 năm, ngọn núi này khô cằn, toàn sỏi đá, nằm giữa khu dân cư nhưng Núi Đất tịnh không một bóng cây.
Là người xuất gia từ nhỏ, Hoà thượng Thích Chơn Thành thường nghiên cứu địa lý, phong thuỷ. Rồi tình cờ trong một chuyến viễn hành đến vùng núi phía Nam của tỉnh Bình Thuận vào năm 1996, thầy đã nhìn thấy Núi Đất nằm ở vị trí tốt, phía Nam thuộc hoả, phía Bắc là thuỷ (Nam hoả, Bắc thuỷ-trong thuyết ngũ hành). Núi Đất đã tề tựu đầy đủ Thanh Long, Bạch Hổ, ấn đường, vậy mà người dân nơi đây lại không biết trân trọng, để cho cả ngọn núi trơ trọi. Nỗi day dứt cứ canh cánh trong suy nghĩ của thầy khi tận mắt chứng kiến cảnh người dân nơi đây vì không có rừng mà cuộc sống đói khổ, bệnh tật triền miền.
Thầy bộc bạch: “Núi phải được giữ lại màu xanh để sơn thần thổ địa có nơi an trú, làm được như vậy mới giúp đời sống của dân được an lành”.
Và rồi nơi đầu tiên thầy chọn gieo mầm nằm ở phía Nam. Ngặt nỗi, đất xấu lại xen lẫn sỏi đá đã hạ gục gần hết 83ha số cây giống thầy và các tăng ni đã trồng, chỉ chừa lại duy nhất 1% trong số đó là còn sống sót. Không nản lòng, các đệ tử vẫn tiếp tục chăm sóc cho những mầm xanh còn sót lại và những cây trồng cũ lại tiếp tục được vun xới. Thế nhưng, ươm mầm xong, không nước tưới, cây lại thi nhau chết. Thầy Thành kể lại: Sau bao đêm không ngủ, thầy quyết định, chọn 1 vị trí đất nằm ở phía Nam Núi Đất và gọi thợ khoan giếng mang máy đến khoan. Sau khi khoan được chừng 30m, 1 mạch nước ngầm tuôn xối xả. Đây chính là nguồn nước đem lại sự sống của vùng Núi Đất.
Sau này, rừng keo lai, keo lá tràm, sao, xà cừ đã lớn thì người ta lại vào đốn hạ đem về làm củi, làm gỗ khiến các nhà sư phải lập các tổ tuần tra thay phiên nhau canh giữ suốt ngày đêm. Hiểu rõ hoàn cảnh nên nhiều lần thầy Thành đã động viên các tăng ni: “Đã tu hành thì phải khổ luyện. Còn việc trồng và giữ rừng chỉ là một thử thách của quá trình khổ luyện mà các đệ tử Đức Phật phải vượt qua”.
Rừng đã hồi sinh
Giờ đây, hơn 80ha rừng sao, keo lai, tràm và xà cừ hàng chục năm tuổi do các tăng ni ở Tỉnh Hội Phật giáo Bình Thuận trồng đã thật sự giúp ích cho đời, cây rừng đã được khai thác để tặng cho các trường học đóng bàn ghế, cho các hộ dân nghèo làm cột kèo dựng nhà để ở. Bên cạnh đó, trồng rừng, không chỉ phủ xanh đất trống, đồi trọc, bảo vệ môi trường, mà rừng còn giúp tích nước cung cấp cho hàng trăm ha đất trồng lúa 2 vụ/năm quanh chân núi. Ở Phú Cường, gần chục năm nay không còn tình trạng lũ quét, ngập lụt như trước đây. Hơn ai hết các đệ tử càng thấm thía cái ý nghĩa sâu xa mà thầy Thành đã hun đúc “tâm bình, thế giới bình”.
Từ khi có màu xanh của rừng, chim rừng, muông thú rủ nhau về đây tụ họp khá đông đúc. Ban đầu, thầy Thành mua 150 con Bồ Chao về thả, đến giờ đàn chim đã sinh sôi nảy nở đến hàng nghìn con. Không chỉ có chim Bồ Chao, hễ đi đâu gặp loại gì thầy đều mua mang về để thả cho Núi Đất phục hồi lại đúng nét nguyên sinh như thủa ban đầu. Và hiển nhiên, đất lành chim đậu, các loài chim, thú quý như chồn, khỉ, kỳ đà, sóc, mễn và công đã quần tụ về đây, chúng xem Núi Đất như nhà của mình.
Nhờ có rừng, có Hoà thượng Thích Chơn Thành mà giờ đây hàng trăm hộ dân ở thôn Phú Cường đã hiểu ra ý nghĩa rừng xanh mang lại. Bàn tay và khối óc của thầy không những phủ xanh gần 100ha đồi trọc mà cái tâm của thầy còn giúp hơn 100 hộ dân ở đây thoát khỏi cảnh nghèo đói. Từ khi có nước, thầy đã hướng cho bà con biết trồng cây thanh long. Anh Cao Văn Hoà-xóm 2 bộc bạch: Trước đây, chính tôi đã từng chặt phá rừng mà bao tâm huyết của thầy Thành cũng như các tăng ni đã vun xới.
Nhiều lần thầy bắt được, đều tha cho tôi về, không những thế, thầy còn cho tôi tiền để gây dựng lại cuộc sống. Giờ đây, nhờ nguồn nước trên Núi Đất mà hơn 1 sào thanh long của gia đình tôi canh tác đã trổ màu xanh ngút ngàn.
Ông Phạm Văn Lâm, Chủ tịch UBND xã Hàm Cường không giấu nổi sự xúc động khi nói về thầy Thành: Thầy chính là người khai sáng cho mảnh đất này, nhờ Tâm Đức của thầy mà số hộ nghèo trong xã đã giảm xuống chỉ còn khoảng 15% so với cách đây 10 năm là gần 40%. Từ khi có nguồn nước sạch, những hộ gia đình sinh sống ở thôn Phú Thọ ít mắc những bệnh ngoài da cũng như các bệnh đường ruột.
Chia tay Núi Đất trong khói sương chiều bàng bạc, chúng tôi ra về với cõi lòng thanh thản, bình yên.
Được gặp thầy và tiếp xúc với thầy, chúng tôi mới ngộ ra rằng, trong cõi đời này, chữ Tâm và chữ Đức có ý nghĩa thật sâu xa.
Bài và ảnh: Ngọc Lan |