Ơ nước ta, đồng bào Cơ-tu tập trung chủ yếu tại các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế và thành phố Đà Nẵng. Ở Quảng Nam, người Cơ-tu sống ở 3 huyện Đông Giang, Tây Giang và Nam Giang, chiếm hơn 70% số dân đồng bào Cơ-tu cả nước. Trong việc sinh nở, người Cơ-tu vừa có quan niệm duy vật cổ đại, vừa có yếu tố tâm linh đối với các trường hợp sinh khó.
Theo phong tục, trong thời kỳ phụ nữ mang thai, người Cơ-tu kiêng cữ rất nhiều. Ba tháng đầu sản phụ không ăn thịt rùa, rắn, trút và các con vật xấu xí trên rừng vì sợ khi sinh ra, con của họ sẽ giống các vật đó. Suốt thời kỳ mang thai, người phụ nữ vẫn đi rẫy bình thường, đặc biệt thai phụ rất kiêng việc để các dụng cụ lao động (rựa, rìu, cuốc...) nằm ngang khi gùi bởi họ cho rằng sẽ mang thai ngang; không gùi vật đôi như hai chiếc rựa, hai cái rìu, hai cuốc... để tránh song thai. Phòng trường hợp chuyển dạ kéo dài, thai phụ không được ăn trong nồi, ăn vụng; khi ngồi phải đặt hai chân trên sàn, không buông thõng xuống đất; đến nhà ai thì phải vào thẳng trong nhà, không được đứng giữa cửa hoặc lưng chừng nửa trong, nửa ngoài (sợ sinh lâu)... Để không bị ít sữa, tắc sữa thì thai phụ không được ăn chuối lùn, chuối tiêu, củ kiệu. Phòng tình trạng phù hoặc chảy máu quá nhiều, lúc sinh phải ăn thịt đã phơi khô, không ăn thịt còn tươi.
Ngày xưa, khi chưa có cán bộ y tế, nhiều phụ nữ phải “vượt cạn” một mình hoặc với bà đỡ hoặc với bất cứ phụ nữ nào đã qua một hai kỳ sinh nở. Nơi sinh là một căn chòi nhỏ cạnh nhà hoặc ngay tại sàn ngủ của hai vợ chồng.
Người Cơ-tu có thói quen sinh ngồi. Sản phụ ngồi bệt trên một vật cao hơn mặt sàn 20-30cm, hai chân dang rộng. Cũng có người ngồi kiểu bái lạy, tức quỳ gối, đùi đè lên cẳng chân, bàn chân duỗi thẳng ra sau. Hai tay sản phụ nắm chặt lấy dây gùi treo trên vách hoặc cột nhà, bà đỡ ngồi phía sau, hai đầu gối ấn vào hai bên hông, hai tay nắm lấy hai vai, vừa kéo sản phụ ra sau theo tư thế nửa nằm, nửa ngồi, vừa lắc lư nhẹ sản phụ cho đến lúc thai nhi ra đời. Nếu sản phụ tự sinh một mình thì quỳ gối cao, dang chân trên sàn, hai tay chống hông và lắc lư nhẹ người cho đến khi sinh.
Khi sinh khó, người Cơ-tu thường làm phép bằng cách thổi vào bụng nhiều lần hoặc lấy lược chải đầu sản phụ. Nếu sản phụ vẫn chưa sinh được, họ mở tất cả nắp các vật dụng có trong nhà, kể cả nắp các tổ ong ngoài rừng của gia đình, sau đó dùng khăn cho vào ống nứa, đặt ngang bụng sản phụ, đẩy cho chiếc khăn lọt qua đầu bên kia 6 lần, ngụ ý thông mọi trở ngại trong khi sinh. Nếu vẫn chưa sinh được, họ giết heo, chó hay dê, lấy máu bôi vào mọi vật dụng, kể cả các cây cột trong nhà, với mong muốn hồn các vật đó ăn vật cúng này sẽ giúp cho sản phụ dễ sinh.
Khi đứa trẻ ra đời, người cắt rốn chỉ có thể là mẹ chồng hay chính sản phụ, kiêng người khác cắt. Để cắt rốn, họ buộc rốn hai nút bằng dây rừng (cây thuộc họ sắn dây, mang về tước mỏng, phơi khô, dùng để xâu chuỗi cườm, tiếng Cơ tu gọi là Ađhươm hay Angon xiếêt). Nút thứ nhất, đo thẳng góc từ rốn trẻ ra đến nếp bẹn, nút thứ hai từ nút một đến đầu gối trẻ. Dùng cật nứa cắt ở điểm giữa. Kiêng dùng rựa, dao hay vật bằng sắt để cắt rốn (sợ nhiễm trùng), không băng rốn. Sau khi rốn rụng, dùng than củi tán bột rắc vào lỗ rốn vài ba ngày.
Để tránh sót nhau, người chồng cho sản phụ uống nước sắc đặc của rễ cây huyết duệ trên rừng trong vài ba ngày. Trẻ ra đời, móc miệng, tắm ngay cho trẻ bằng nước suối đựng trong ống nứa. Nếu trẻ chậm khóc, họ dội nước vào người trẻ, đồng thời đạp mạnh chân lên sàn tạo tiếng động làm trẻ tỉnh. Cho trẻ bú ngay sau đó.
Để mau sạch sản dịch, sản phụ uống và ăn nóng cả nước lẫn cái nấu từ con ếch xanh đã được phơi khô. Để gọn bụng, sản phụ nằm quay bụng vào bếp cả ngày lẫn đêm trong khoảng một hai tuần đến một tháng. Có lẽ nhờ vậy mà sau khi sinh từ ba ngày đến một tuần, một số sản phụ đã sạch sản dịch và đã gùi con lên nương làm rẫy, lấy củi...
Ngày nay, hệ thống y tế cơ sở tương đối tốt, nhất là đội ngũ y tế thôn bản ở khắp các buôn làng nên đa phần các sản phụ khi đến kỳ thai nghén đã đi khám thai định kỳ và có bàn tay chăm sóc của nhân viên y tê. Nhờ thế đã giảm đi rất nhiều các tai biến đáng tiếc xảy ra cho mẹ và con.
Mai Ký |