Do nhiều nguyên nhân khác nhau, đàn trâu của đồng bào Hrê huyện Ba Tơ (Quảng Ngãi) đã bị suy thoái về số lượng và thể chất. Trước tình trạng này, nhờ sự giúp đỡ của cấp trên, trong hai năm 2006 – 2007, Trạm Khuyến nông huyện Ba Tơ đã thành công bước đầu với đề án “Cải tạo đàn trâu địa phương cho đồng bào Hrê”.
Năm 2006, được sự đầu tư hỗ trợ kinh phí của Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh, huyện Ba Tơ tiến hành cải tạo đàn trâu địa phương cho đồng bào, với việc cải tạo giống và xây dựng mô hình chăn nuôi trâu cải tiến hộ gia đình. Trạm Khuyến nông Ba Tơ chọn hai xã Ba Tô và Ba Dinh để thực hiện. Ở mỗi xã, huyện chọn 4 hộ gia đình (ở 4 thôn liền kề nhau) để nuôi trâu đực giống và 10 hộ chăn nuôi trâu cải tiến. Bên cạnh đó, Trạm Khuyến nông điều tra khảo sát tổng số đàn trâu trên địa bàn 2 xã, rồi vận động đồng bào, giúp họ hiểu ra sự cần thiết trong việc cải tạo đàn trâu. Qua đó, đã tìm ra được 122 còn khả năng phối giống; 150 trâu cái đang mang thai cùng với trâu nghé 871 con. Theo đó, địa phương tiến hành mua 8 con trâu đực giống ở các nơi xa địa bàn Ba Tơ và cứ mỗi con trâu thì có một cái chuồng được đầu tư xây dựng; trồng 8 vườn cỏ với 800m2 để lấy thức ăn cho trâu. Sau đó, đàn trâu sẽ lần lượt phối giống cho đàn trâu cái địa phương. Ngoài ra, các hộ dân tham gia mô hình còn được hỗ trợ thức ăn tinh, hỗ trợ việc thiến trâu đực cỏ và công thiến trâu đực cỏ ở địa phương; công phối giống trâu mang thai…
Bác sỹ thú y, Trạm phó Trạm Khuyến nông Ba Tơ Nguyễn Thanh Lực - người trực tiếp làm mô hình, cho biết, đàn trâu đực giống được đưa về đã phát triển tốt. Sau 2 năm thực hiện, đàn trâu đực giống đã phối giống cho khoảng 300 con trâu cái và qua kiểm tra ngẫu nhiên ở 64 con trâu cái (được phối giống), đã phát hiện 59 con mang thai. Đến nay, trong số trâu mang thai nói trên đã đẻ trâu nghé và thấy rằng, mỗi con được 22 kg, lớn từ 5 – 7 kg so với trâu nghé địa phương. Đặc biệt, nghé sơ sinh có tỷ lệ sống 100%, chưa thấy xuất hiện các bệnh truyền nhiễm, đường ruột và ký sinh trùng. Nghé con sau khi sinh khoẻ mạnh, phát triển tốt, trọng lượng tăng đều và sau 60 ngày, mỗi con cân nặng 40 kg. Anh Lực cho biết thêm: “Cùng với cải tạo giống, đơn vị còn thực hiện xây dựng mô hình chăn nuôi trâu cải tiến hộ gia đình. Đến nay, mô hình này đã phát huy hiệu quả”. Qua tìm hiểu, chúng tôi được biết, mô hình này ban đầu xây dựng 20 chuồng trâu, bình quân 7,5m2/chuồng; nền được đắp cao hơn mặt đất từ 20–30cm, làm bằng xi măng, được đầm chặt và có đá xung quanh vững chắc. Chuồng trâu cải tiến còn được bố trí máng ăn, uống và nơi ủ phân đúng yêu cầu kỹ thuật. Ngoài ra, Trạm Khuyến nông Ba Tơ còn trồng 20 vườn cỏ (khoảng 2.000m2), bình quân 100m2/chuồng trâu. Cách làm này bước đầu đã cho đồng bào Hrê huyện Ba Tơ thấy được sự ích lợi, vì trâu không bị chết, mùa đông thì ấm áp, còn mùa hè thoáng mát.
Sau mỗi mô hình xây dựng mang lại thành công, Trạm khuyến nông Ba Tơ tổ chức cho hàng trăm lượt đồng bào trong huyện tham gia các đợt tham quan, tập huấn kỹ thuật, hội nghị đầu bờ... Hiệu quả của việc cải tạo đàn trâu địa phương cho đồng bào Hrê chính là nhờ những hộ đi học hỏi mô hình này. Bởi chính họ là những tuyên truyền viên hiệu quả nhất tại cộng đồng dân cư nơi sinh sống.
Bài và ảnh: Anh Tuấn |