Hoàn thành cuối năm 2005 với tổng kinh phí gần một tỉ đồng, khu nhà lồng (chợ) thuộc Trung tâm cụm xã Thới Bình Tây, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau vẫn “cửa đóng then cài”. Nhiều hạng mục của công trình này đã và đang xuống cấp nghiêm trọng.
Đầu tư không hiệu quả
Khu nhà lồng được đầu tư theo nguồn vốn của Chương trình Trung tâm cụm xã nhằm mục đích phục vụ nhu cầu sinh hoạt của bà con trong khu vực. Đây là một chủ trương đúng đắn, nhưng cách triển khai, thi công công trình mà Ban quản lý dự án và UBND huyện Trần Văn Thời thực hiện thì “chẳng giống ai”.
Ban đầu, khi thi công khu chợ, chỉ có khoảng dăm hộ dân sinh sống xung quanh khu vực, một số hộ có “sổ đỏ”, một số hộ không (là những hộ “nhảy dù”). Công trình hoàn thành cũng là lúc một số hộ dân không có “sổ đỏ” đã hợp pháp hoá được diện tích đất ở của mình và “cắm chốt” lại xung quanh khu vực, không chịu di dời. Điều đáng nói là đa phần những hộ dân được cấp “sổ đỏ” sau này đều nằm trên phần đất bao quanh khu vực nhà lồng với mục đích tiện cho việc đi lại, kinh doanh, buôn bán tại chợ. Vậy là, chợ thì đã hoàn thành nhưng những hộ dân có nhu cầu thực sự lại chưa thể vào chợ kinh doanh, buôn bán vì... không có lối vào.
Ông Võ Quốc Thống, Chủ tịch UBND xã Thới Bình Tây cùng ông Nguyễn Văn Phúc, đại diện Văn phòng UBND huyện Trần Văn Thời trực tiếp dẫn chúng tôi “mục sở thị” công trình chợ Trung tâm cụm xã. Chúng tôi phải đi men theo con đường hẹp cỡ một chiếc xe đi lọt bởi trước lối vào, cỏ mọc um tùm. Bên trong chợ, dù đã được ngăn cách bằng tấm cửa sắt rất chắc chắn nhưng không đóng, có cả lồng nuôi gà, nuôi chó của một số hộ dân. Ông Sơn, một hộ dân sống quanh chợ cho biết: Thấy công trình để không, nên một số hộ dân đã tận dụng diện tích để chăn nuôi, trồng rau. Ban đầu chỉ một vài hộ, lâu dần không thấy ai nhắc nhở thì “nhà nhà nuôi, trồng”. Hậu quả là càng ngày chợ càng bị cô lập vì không còn lối vào.
Bên cạnh đó, trong chợ, ở bốn góc tường đã xuất hiện nhiều vết nứt lớn, nền chợ được lát bằng lớp gạch men đã xuống cấp, nhiều chỗ vỡ vụn, sụp xuống thành hố. Ông Sơn cho biết, hiện tượng này đã xảy ra trên một năm nay, nhưng hình như Ban quản lý dự án và UBND huyện Trần Văn Thời không hề hay biết. Một số hộ dân cũng bày tỏ, dù muốn vào chợ để kinh doanh, buôn bán nhưng với một công trình không đảm bảo chất lượng, có thể đổ ập xuống bất cứ lúc nào thì chẳng ai dại gì mất tiền để rước hoạ vào thân.
Lãng phí nhân đôi
Ông Võ Quốc Thống phân trần: Chợ chưa thể đi vào hoạt động do thiết kế chưa phù hợp lại đang xuống cấp, hơn nữa lối vào chợ không có đang là bài toán nan giải mà ở cấp xã không dễ gì giải quyết được.
Muốn có đường vào chợ thì phải giải toả những hộ dân xung quanh khu vực, vì vậy phải có quỹ đất tái định cư, phải làm quy hoạch từ xã lên thị trấn...
Chúng tôi tìm gặp lãnh đạo UBND huyện Trần Văn Thời nhưng vì lý do bận họp nên không được tiếp.
Ông Trần Hữu Tý, Chánh văn phòng UBND huyện cho biết: “Huyện đang chủ trương sắp xếp, quy hoạch lại khu dân cư khu vực chợ và sẽ có biện pháp khắc phục sự cố trong chợ”. Ông Tý giới thiệu chúng tôi sang làm việc với Ban Quản lý Dự án huyện Trần Văn Thời, đơn vị chịu trách nhiệm thi công khu chợ.
Ông Phạm Hồng Phương, Giám đốc Ban quản lý dự án, cho biết, ông mới về nhận công tác nên cũng chưa nắm rõ vấn đề. Ông Phương cam kết sẽ tìm hiểu nguyên nhân và khắc phục sự cố, lỗi thuộc về đơn vị nào sẽ làm rõ trách nhiệm.
Vậy là đã rõ, Ban quản lý dự án huyện Trần Văn Thời sẽ phải có biện pháp để khắc phục và xử lý tình trạng xuống cấp của khu chợ, nhưng khắc phục như thế nào, kinh phí ở đâu thì cần làm sáng tỏ. Rõ ràng, trong việc xây dựng chợ Thới Bình Tây, sự lãng phí đã bị nhân đôi, bởi lẽ sau 3 năm công trình vẫn chưa được đưa vào sử dụng, và việc khắc phục sự cố của chợ lại tốn thêm một lần tiền nữa mà vẫn chưa thấy hiệu quả. Đó là còn chưa kể đến kinh phí giải phóng mặt bằng đối với các hộ dân sinh sống xung quanh khu chợ. UBND huyện Trần Văn Thời cũng cần quyết liệt hơn đối với những công trình phục vụ dân sinh, không để tình trạng “mất bò mới lo làm chuồng” như đối với công trình chợ Thới Bình Tây.
Có như vậy, chủ trương, chính sách đối với đồng bào mới có thể đi vào cuộc sống, thúc đẩy kinh tế xã hội địa phương phát triển.
Bài và ảnh: Mạnh Cường |