Thị trấn Yên Lập (Phú Thọ) với hơn 80% diện tích là đồi núi nhưng đến thời điểm này, ai ở xa đến đây đều khó nhận ra dấu tích của rừng. Có chăng, diện tích rừng còn lại chỉ lác đác vài khóm nứa, lau và bẹm. Động vật hoang dã thưa thớt, số lượng chỉ đếm trên đầu ngón tay. Vậy mà những tay “sát thủ” thú rừng ở thị trấn nhỏ này vẫn bất chấp những quy định của pháp luật.
Nếu bạn có dịp ngồi ở quán bia Oanh Chất ngay sát bến xe thị trấn vào mỗi buổi sáng sẽ bắt gặp một người đàn ông kì lạ. Ngày nào ông ta cũng ở đó với bộ quần áo rằn ri (có hôm là bộ quân phục của kiểm lâm), hút thuốc và nhâm nhi một chai bia Hà Nội, vẻ mặt rất viên mãn. Đó là ông Vĩnh, một cán bộ đã nghỉ hưu.
Tuy nhiên, vào những buổi chiều, ông Vĩnh lại dẫn một đội quân khoảng 3-4 người tụ tập tại quán để chuẩn bị cho một cuộc săn thú. Phương tiện đi săn là những khẩu súng săn bắn đạn kẽm (loại có thể bắn ra hàng chục mẩu chì một lúc), dân đi săn gọi đó là súng toả. Khi nổ, súng toả gây sát thương rất mạnh vì tầm đạn toả ra rộng với nhiều mảnh chì văng ra cùng một lúc. Có nhiều hôm, cũng tại quán nước trên, người ta thấy nhóm người này đem về 2-3 con cò, 1 con cầy bạc má hoặc vài con sóc loang lổ máu.
Ở xóm nhỏ Quang Tiến, xã Ngọc Lập còn có một người đàn ông tóc hoa râm tên là Danh chuyên đi săn ban ngày. Mùa rúi làm tổ vào tháng 7-8 hằng năm, ông ta lên rừng tìm bụi nứa nào có những cây héo ngọn (dấu hiệu của một gốc nứa đang bị con rúi gặm gốc) và quan sát nếu thấy dưới gốc đùn ra những mùn đất mới thì ông ta bắt đầu hì hục đào. Nếu có con rúi nào trong hang thì tất nhiên chúng không thể nào chạy thoát. Vào mùa hè, ông Danh lại mang lưới đi giăng bắt các loại chim khướu, hoạ mi để bán cho giới chơi chim cảnh. Ông Danh còn là “sát thủ” của các loại chim cu gáy, sóc, nhím...
Sự thật đau lòng
Tại Thượng Long, một xã ngay sát phố huyện, tôi có quen một cán bộ kiểm lâm xã, chú tên là L (xin được dấu tên). Ngay sau khi mối quan hệ của chúng tôi “nồng ấm” thì tôi được chú L mời đi nhậu đặc sản rắn, rúi, gà. Tỏ ý e ngại về chuyện giá cả và chất lượng “hàng hoá” thì chú L khoát tay: “Khỏi lo! Giá cả ở đây không đắt như thành phố đâu vì chỗ đó là đầu mối thu mua thú rừng. Còn chất lượng thì mình xuống tận chuồng xem con thú còn tươi sống thì mới bắt thịt”. Tôi dùng dằng vì sợ ăn thú rừng “chui” dễ bị bắt phạt thì được một cái vỗ vai: “Có phạt thì chỉ chú đây phạt chứ ai mà lo!”
Sau 5 phút đi xe máy, chúng tôi đã có mặt ở một cái quán tạp hoá lụp xụp gần UBND xã. Quán trông không hề giống một quán nhậu vì không có bảng hiệu. Chú L cho biết, nhà này chỉ đăng kí bán tạp hoá chứ không kinh doanh ăn uống. Còn chuyện “linh động” bán đặc sản thịt thú rừng thì chỉ khách quen mới biết. Khách đến đây được bố trí ngồi nhậu giữa những đống hàng tạp hoá để không ai phát hiện được.
Được giới thiệu ra sau nhà, tôi thật sự ngỡ ngàng khi nhìn thấy một chuồng nhung nhúc những con rắn. Toàn là rắn bắt từ rừng về, không có con nào là rắn nuôi để kinh doanh cả. Rắn ráo nhốt lẫn trăn chuột, các loại rắn hổ thì nhốt riêng. Quán này cũng “chiều” khách theo kiểu làng rắn Lệ Mật (Hà Nội): khách ăn chọn con rắn nào, chủ quán sẽ bắt con đó cắt tiết ngay trước mặt hoặc trên bàn rượu.
Hãi hùng nhìn đám rắn nhung nhúc ấy, tôi gợi ý hỏi về những loại thú khác, chủ nhà chỉ cho một cái chum, trong đó nhốt một cặp rúi. “2 con rúi này vừa mới đào được lúc sáng. Con to là rúi cái, con nhỏ là rúi đực. Anh muốn ăn con nào?”- chủ quán hỏi. Nhìn những con rúi lông xù màu tro to gấp rưỡi con chuột cống, mũi choe choét máu mà thương cho con vật hiền lành suốt ngày chỉ biết gặm gốc nứa, gốc giang. Thấy tôi lưỡng lự, chủ quán lại kéo tay chỉ 3 con gà rừng nhốt ở chuồng ngay cạnh. Đó là một con gà lôi trống, lông trắng chân đỏ, 2 con còn lại lông màu mận chín. Ông chủ cho biết: “Giống gà lôi ở địa phương không còn nhiều.
Thỉnh thoảng, người ta mới bẫy được một con”. Tôi cứ thắc mắc trong đầu không biết con gà rừng đang bị nhốt kia có phải là giống gà Lôi Lam quý hiếm mà người ta thường nói đến không? Để ý phía ngoài của quán, tôi thấy một đôi yểng non mới bị bắt về. Chúng vừa được khách ngã giá 1,5 triệu đồng nhưng chủ quán chưa đồng ý.
Cuối cùng, để chiều lòng chú L tôi đành chỉ đại một con rắn trong hầm. Khi rượu đã chếnh choáng, tôi hỏi nhỏ ông chủ nhà về nguồn gốc đám thú rừng đang nhốt trong nhà thì được biết ông thu mua lại của những người đi săn trong xã. Có hôm, rất nhiều thú rừng được “tập kết” về đây, nhưng cũng có hôm thì chẳng có con nào. Chú L quay sang giảng giải: Những quán ăn như thế này hầu như ở xã nào trong huyện cũng có. Vùng này vẫn còn một bộ phận dân không có nghề nghiệp, chủ yếu mưu sinh bằng nghề săn bắt thú rừng. Họ thường đi soi ban đêm, còn ban ngày thì vào rừng săn bẫy thú. Dụng cụ để soi thú là một cái đèn pin pha to tự tạo bằng ắc quy, một cái nỏ hoặc một cái súng kíp tự chế. Đèn pin sáng sẽ làm loá mắt con mồi, còn nỏ và súng thì để tiêu diệt thú. Đi săn ban đêm rất dễ bắt được các loại cầy bạc má, cầy vòi, cầy hôi và cầy hương. Những tay thợ săn ban đêm được những người đi săn liệt vào dạng “ăn tạp” vì gặp con gì, người ta sẽ bắt con đấy. Hầu hết những tay săn thú đều giấu rất kỹ phương tiện đi săn nên kiểm lâm rất khó phát hiện.
Ngoài ra một lí do khác là những cán bộ chức năng và dân đi săn đều là người cùng bản, cùng xã, thường có họ hàng “dây mơ, rễ má” với nhau nên không nỡ tịch thu phương tiện săn bắt thú. Bên cạnh đó, nhiều người dân vẫn quan niệm, thú rừng là của tự nhiên, ai bắt được chúng thì người đó nghiễm nhiên được sở hữu.
“Thế kiểm lâm xã như chú thì thường làm gì?”- tôi hỏi chú L. “Chỉ thu gỗ thôi! Thỉnh thoảng đi tuần rừng và rình xem có ai chặt gỗ thì lập biên bản tịch thu mang về Ủy ban xã, sau đó trình xin ý kiến lãnh đạo huyện rồi tận thu hoặc đem bán”.
Sau những gì mắt thấy, tai nghe, tôi thực sự bàng hoàng. Một người bạn là dân bản địa ở đây còn cho biết thêm: “Ở thị trấn Yên Lập, quán ăn nào chẳng có thịt thú rừng. Loại thú phổ biến như rắn, cầy, cáo, gà rừng thì chỉ cần đặt trước nửa ngày. Còn thịt lợn rừng, thịt nai thì phải đặt trước dăm bữa, nửa tháng mới có”. “Nháy” nhau vào quán Đông Xuân, một quán ăn nổi tiếng về thịt thú rừng thì được chủ quán giới thiệu 3 loại thịt gồm cầy, rúi, lợn rừng có thể phục vụ ngay...
Chuyện tiêu diệt thú rừng ở Yên Lập cũng “bình thường” như thói quen của bất kì vị khách nào đó về đây công tác được tiếp đãi một bữa đặc sản thú rừng. Họ coi “nghĩa cử” đó như là “tấm lòng” của phố núi. Người ta cứ ăn uống no say, vui vẻ mà đâu biết trong những khu rừng kia đang vang lên tiếng kêu cứu của những con thú rừng vừa bị sát thương, sập bẫy???
H.L |